Trầm cảm sau khi sinh đáng sợ ra sao?

ANH ĐÀO| 08/07/2022 02:00

Theo các bác sĩ, trầm cảm sau sinh ngày càng được ghi nhận ở nhiều phụ nữ và là "quả bom" khó nhận biết. Nếu không được quan tâm kịp thời có thể dẫn đến những cái chết đáng tiếc.

tram-cam-sau-sinh-1657081132072336064014-3412.jpeg
Bệnh nhân trầm cảm được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: BVCC

Tự rạch bụng vì trầm cảm

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đang tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân 21 tuổi bị trầm cảm sau sinh.

Bệnh nhân B.T (21 tuổi ở Bố Trạch, Quảng Bình) vào viện từ ngày 23/5. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng la hét, cáu gắt. Theo lời kể của mẹ bệnh nhân, B.T là con thứ trong gia đình 2 con. Trước khi mắc bệnh, cô gái trẻ này hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Ở nhà được mọi người đánh giá là người vui vẻ, hoà đồng.

B.T học hết lớp 12 rồi vào ĐH Ngoại ngữ Quảng Bình. Hiện đang là sinh viên năm thứ 3 nhưng phải tạm nghỉ ở nhà sau khi sinh.

Được biết T lập gia đình cách đây 6 tháng và đã sinh con gái hiện được 1,5 tháng tuổi. Do người bệnh có thai trong quá trình đang học và chưa cưới nên cũng khá căng thẳng. Nhưng quá trình mang thai và sinh đẻ cũng không có gì bất thường với cân nặng bé 3,2kg khoẻ mạnh. Con ở cùng chồng và có mẹ đẻ hỗ trợ chăm sóc.

Dù chồng cô gái trẻ là người ít thể hiện quan tâm, không hay chia sẻ tâm sự nhưng vợ chồng trẻ này vẫn nhận được sự hỗ trợ kinh tế của gia đình hai bên. Thế nhưng sau sinh con được 13 ngày, người bệnh có biểu hiện đêm ngủ kém, ngủ được tầm 3-4h/ đêm, hay thức giấc giữa đêm, sáng dậy sớm.

Đáng lo hơn B.T luôn cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng, ít nói chuyện với mọi người hơn trước, hay ngồi 1 mình, vẻ mặt buồn rầu, hay khóc lóc.

Mẹ bệnh nhân cho biết từ đó, con gái bà cũng không muốn ăn, hay suy nghĩ tiêu cực, bi quan với cuộc sống. Thậm chí, con gái cũng không để tâm tới việc chăm sóc con, không thể hiện tình cảm với con, cảm giác khó chịu khi nghe tiếng con khóc.

Đỉnh điểm, cách đây hơn một tháng bà mẹ trẻ này dùng dao rạch bụng để tự sát. Rất may gia đình phát hiện kịp thời đưa vào bệnh viện cấp cứu khâu vết thương sau đó chuyển tới khoa tâm thần của viện này để điều trị.

Bệnh nhân được điều trị nội trú 20 ngày, triệu chứng bệnh thuyên giảm đã nói chuyện với mẹ và người thân nhiều hơn, bớt buồn chán. Sau đó được xuất viện về nhà, cho thuốc uống theo đơn.

Tại TP.HCM, tối 5-2, người nhà phát hiện chị C. (34 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) và con gái khoảng 7 tháng tuổi tử vong trong nhà trọ ở quận Bình Tân, trong đó chị C. tử vong trong tư thế treo cổ, còn con gái tử vong trong máy giặt.

Được biết chị C. là công nhân tại một công ty ở quận Bình Tân, còn chồng chị chạy xe ba gác. Theo thông tin ban đầu, trước khi xảy ra vụ việc, chị C. có dấu hiệu bị trầm cảm.

tram-cam-sau-sinh1-16327230607131576198312.jpeg
Phụ nữ rất dễ bị trầm cảm sau khi sinh - Ảnh: Internet

Có thể phục hồi hoàn toàn

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - giám đốc Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết trầm cảm sau sinh là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, hay có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, buồn chán và lo lắng về nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Bệnh lý này có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, tự khỏi hoặc thậm chí sẽ không thể tự hết nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Ở giai đoạn sớm, phụ nữ trầm cảm sau sinh có khí sắc giảm, cảm xúc thay đổi, buồn rầu, dễ cáu, dễ khóc… giảm sở thích hứng thú, giảm các mối quan hệ gia đình; rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống; giảm tập trung chú ý, trí nhớ; các triệu chứng cơ thể: đau đầu, đau bụng, ngực…

Ở giai đoạn toàn phát, bà mẹ có khí sắc trầm tăng hơn; mất quan tâm thích thú, bi quan chán nản; buồn bã, mặc cảm, tự ti, tội lỗi, đau khổ...; khó khăn trong việc ra quyết định, không muốn giao tiếp với mọi người; khó khăn trong việc chăm sóc con, tạo mối quan hệ mẹ - con, xa lánh người thân...; lo lắng quá mức tới sức khỏe của con.

Theo các nghiên cứu, 80% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được quan tâm đúng mức nhưng hiện nay rất nhiều những trường hợp phụ nữ sau sinh chưa được phát hiện và điều trị kịp thời, dẫn đến những hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần.

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM - cho biết bất cứ phụ nữ nào sau sinh cũng có thể rơi vào tình trạng 'trầm buồn thoáng qua sau sinh' (baby blues).

Tình trạng này thường kéo dài từ 2 đến 3 ngày (tối đa lên đến 2 tuần) với những khó khăn về cảm xúc buồn rầu, chán nản, suy nghĩ tiêu cực ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, một bà mẹ có tình trạng trầm cảm sau sinh với triệu chứng trầm cảm kéo dài trên 2 tuần sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Các bác sĩ khuyến cáo để phòng tránh phụ nữ gặp trầm cảm sau sinh, tùy nguyên nhân sẽ có những biện pháp can thiệp cụ thể. Nhưng với trầm cảm sau sinh, đa số là do stress nên gia đình cần chú ý giảm stress cho người mẹ bằng cách san sẻ công việc, quan tâm nhiều hơn.

Khi phát hiện người mẹ có ý tưởng, hành vi tự hại, tự sát hoặc sát hại, gây tổn thương con, gia đình cần lập tức đưa mẹ đến bệnh viện tâm thần để được can thiệp kịp thời.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trầm cảm sau khi sinh đáng sợ ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO