Trầm cảm sau khi sinh - chuyện không của riêng ai

29/06/2021 10:43

Trầm cảm sau sinh là một vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến hơn 1/10 phụ nữ trong vòng một năm sau sinh. Các triệu chứng trầm cảm có thể kéo dài liên tục

Trầm cảm sau khi sinh là một loại trầm cảm mà rất nhiều bậc cha mẹ gặp phải. 

Đây là một vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến hơn 1/10 phụ nữ trong vòng một năm sau sinh. Các triệu chứng trầm cảm có thể kéo dài liên tục nhiều tháng, ngày càng trở nên tồi tệ hơn và có ảnh hưởng không ít đến mẹ, em bé và cả những người xung quanh. 

Tuy nhiên, điều may mắn là, nếu bạn biết cách kết hợp các liệu pháp tinh thần cùng với những phương thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, tình trạng này hoàn toàn có thể cải thiện được. 

Các triệu chứng của trầm cảm sau khi sinh 

Nhiều phụ nữ cảm thấy hụt hẫng, lo lắng và thường xuyên khóc trong tuần đầu tiên sau khi sinh. Đây là những điều rất bình thường và được gọi là hội chứng “baby blues” - hội chứng dùng để ám chỉ đến một khoảng thời gian ngắn sau khi sinh, bà mẹ xuất hiện những cơn buồn, căng thẳng và dễ thay đổi tâm trạng. 

Thông thường "baby blues" không kéo dài quá 2 tuần sau khi sinh. Nếu các triệu chứng này kéo dài hơn nữa và không có sự chuyển biến tích cực, mẹ có thể đã rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh.  

Hầu hết mẹ không nhận ra mình bị trầm cảm sau sinh, bởi vì các triệu chứng rất khó để phát hiện và tình trạng này phát triển dần dần theo thời gian. Một số dấu hiệu cho thấy bạn có thể bị trầm cảm bao gồm: 

  • Cảm giác buồn dai dẳng 
  • Thiếu năng lượng và luôn cảm thấy mệt mỏi 
  • Khó ngủ vào ban đêm và cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày 
  • Không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai, kể cả em bé vừa sinh ra 
  • Có xu hướng cảm thấy ám ảnh, buồn bực mỗi khi thấy bé 

Nguyên nhân gây ra trầm cảm sau sinh?  

Trầm cảm sau khi sinh - chuyện không của riêng ai
Nguyên nhân của việc trầm cảm sau sinh là gì?
  • Nguyên nhân của chứng trầm cảm sau sinh không hoàn toàn rõ ràng. Hiện tại, các bác sĩ hầu hết chỉ căn cứ vào nhứng yếu tố như: 
  • Tiền sử người bệnh đã từng gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trầm cảm 
  • Tiền sử người bệnh từng gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần trong thời kỳ mang thai  
  • Không có gia đình hoặc bạn bè thân thiết để hỗ trợ, chia sẻ 
  • Không có mối quan hệ tốt với những người trong gia đình  
  • Cuộc sống căng thẳng, thường xuyên chịu nhiều áp lực, đặc biệt là khi gia đình có nhiều chuyện buồn  
  • Hoặc ngay cả khi bạn không có bất kỳ triệu chứng nào trong số đó, việc sinh con là một sự kiện thay đổi cuộc đời và khiến bạn cảm thấy vô cùng áp lực  

Bệnh trầm cảm sau sinh có thể ngăn ngừa được không?  

Mặc dù đã có một số nghiên cứu về việc ngăn ngừa trầm cảm sau khi sinh, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy người mẹ có thể làm bất cứ điều gì để ngăn tình trạng bệnh phát triển, ngoài việc duy trì một lối sống lành mạnh nhất có thể cho bản thân.  

Nhưng nếu bạn có tiền sử trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần, hoặc có tiền sử gia đình về các vấn đề sức khỏe tâm thần sau khi sinh con, hãy nói với bác sĩ lúc còn trong quá trình mang thai để bắt đầu có những phương pháp điều trị hiệu quả.  

Những lầm tưởng về chứng trầm cảm sau sinh  

Có rất nhiều lầm tưởng xoay quanh hội chứng trầm cảm sau khi sinh, chẳng hạn như: 

  • Trầm cảm sau sinh ít nghiêm trọng hơn so với các loại trầm cảm khác. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng này nghiêm trọng tương đương như các loại trầm cảm khác.  
  • Trầm cảm sau sinh hoàn toàn do thay đổi nội tiết tố gây ra, nhưng đó không phải là yếu tố chính yếu nhất. Chứng trầm cảm này xảy ra do sự tác động của nhiều nguyên nhân như đã đề cập ở trên. 
  • Trầm cảm sau sinh sẽ sớm qua đi. Thực tế thì trầm cảm sau sinh có thể tồn tại trong nhiều tháng nếu không được điều trị. Trong một số ít trường hợp, tình trạng này có thể trở thành một vấn đề lâu dài.  
  • Trầm cảm sau khi sinh chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ. Đã có không ít nghiên cứu phát hiện ra rằng cứ 10 người cha mới sinh thì có đến 1 người bị trầm cảm sau khi sinh con. 

Làm thế nào khi rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh? 

Như đã đề cập ở trên, cách tốt nhất chính là bạn nên nói chuyện với bác sĩ đa khoa hoặc người thăm khám sức khỏe nếu nghĩ rằng bản thân có thể bị trầm cảm. 

Ngoài ra, bạn nên tìm kiếm các cách tạo năng lượng tích cực cho bản thân, sự giúp đỡ và đồng cảm từ những người xung quanh, đặc biệt là “nửa kia” của mình.  

Cụ thể, có một vài phương pháp hỗ trợ điều trị trầm cảm sau sinh như sau: 

  • Tự giúp đỡ: Những điều bạn có thể làm bao gồm nói chuyện với gia đình và bạn bè về cảm xúc của bạn và tìm kiếm những gì họ có thể làm để giúp đỡ. Hãy cố gắng dành thời gian cho bản thân, làm những việc bạn thích, nghỉ ngơi bất cứ khi nào bạn có cơ hội, đăng ký một khóa thiền, yoga hoặc bất cứ khóa học nào bạn quan tâm để tăng sự tiếp xúc với xã hội. 
  • Sử dụng liệu pháp tâm lý kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh: Các bác sĩ đa khoa có thể giới thiệu đến bạn một khóa học tự lực hoặc một khóa trị liệu, chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT). 
  • Sử dụng thuốc chống trầm cảm: Đây là những loại thuốc có thể được khuyên dùng nếu bệnh trầm cảm của bạn nặng hơn hoặc các phương pháp điều trị khác không giúp ích được gì. Khi đó bác sĩ sẽ kê toa một loại thuốc an toàn để dùng khi cho con bú. 
  • Tìm kiếm đến các tổ chức địa phương và quốc gia chuyên hỗ trợ phụ nữ sau sinh cải thiện các hội chứng, tình trạng này. 
Theo edoctor.io
https://edoctor.io/bai-viet/tram-cam-sau-khi-sinh-chuyen-khong-cua-rieng-ai
Copy Link
https://edoctor.io/bai-viet/tram-cam-sau-khi-sinh-chuyen-khong-cua-rieng-ai
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Trầm cảm sau khi sinh - chuyện không của riêng ai
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO