Sáng 24/2 (tức Rằm tháng Giêng), hàng nghìn người đã tìm về Đình làng Mỏ (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) tham gia lễ hội Ná Nhèm.
Theo người dân bản địa, "Ná Nhèm" là tiếng Tày, có nghĩa là "bôi mặt nhọ" hoặc "làm nhọ mặt". Lễ hội là nghi thức, nghi lễ thờ cúng Thành Hoàng gắn liền với sự tích đánh giặc giữ làng và các hoạt động văn hóa, các trò chơi, trò diễn của người Tày xã Trấn Yên huyện Bắc Sơn.
Ngay từ sớm, rất đông người đã có mặt bên trong đình làng Mỏ, nơi đặt các lễ vật cúng tế là "Tàng thinh" và "Mặt nguyệt".
"Tàng thinh" là thân gỗ lớn đẽo gọt tạo hình tượng trưng cho sinh thực khí nam, "Mặt nguyệt" là biểu tượng cho bộ phận sinh nở của người phụ nữ. Khi "Tàng thinh" và "Mặt nguyệt" gặp gỡ nhau, giao hòa tạo nên sự bình an, ấm no, sinh sôi nảy nở.
Người tham dự lễ hội phải bôi nhọ mặt bởi họ tin rằng làm như thế sẽ đánh lạc hướng những linh hồn ma giặc, qua lễ hội sẽ không còn ma nào biết ai đã diễn lại hình dạng và sự thất bại của chúng trước dân làng mà bắt về gây tai họa, dịch bệnh cho họ cùng gia đình, người thân của họ.
Anh Ngư (dân tộc Tày) có mặt từ 6h thực hiện nghi lễ bôi nhọ lên mặt. Anh Ngư cho biết, đây là năm thứ 6 anh tham gia lễ hội, và anh cũng rất vui khi đông đảo du khách thập phương tới theo dõi.
Hai bạn trẻ Hoàng Thị Kiều và Hoàng Thị Năm (thôn làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn) cho biết, từ khi còn nhỏ hai bạn đã được cho đi xem hội và tới nay vẫn giữ truyền thống này. Cả 2 đều cảm thấy rất vui và phấn khởi, chụp ảnh chung cùng nhân vật hóa trang trong lễ hội.
Khoảng 10h, 2 lễ vật là "Tàng thinh" và "Mặt nguyệt" được đưa ra khỏi đình dưới sự chứng kiến của hàng nghìn người dân địa phương và du khách tập trung chờ đợi bên ngoài.
Đi đầu các đoàn là hai viên chánh tướng và phó tướng, theo sau là các quân lính và hai bên là các lễ vật cung tiến bao gồm: Cây thiên tuế, Tàng thinh, Mặt nguyệt, nước và các loại cây giống.
Phó tướng đi trước, tay cầm chổi vừa đi vừa làm các động tác xua chổi dọn đường, chánh tướng và phó tướng phải kết hợp các động tác và bước chân đi sao cho thật uyển chuyển và nhịp nhàng.
Trai tráng mô phỏng lại cảnh luyện binh, đánh giặc, đấu gươm của các binh sĩ thời xưa.
Hàng chục trai tráng khỏe mạnh trong làng được lựa chọn để đưa "Tàng thinh" và "Mặt nguyệt" đưa tới miếu Xa Vùn cách đình làng Mỏ khoảng 500m.
Trên đường rước lễ, khán giả vây kín đoàn rước hò reo, chụp ảnh ghi lại khoảnh khắc lễ hội đầu Xuân.
Một số người khác lại tìm vị trí từ xa, đứng trên cao theo dõi hoạt động rước lễ.
Sau khoảng 45 phút, đoàn rước lễ đã đưa lễ vật tới trước miếu Xa Vùn để làm lễ.
Khác với các năm trước, ban tổ chức lễ hội năm nay đã bố trí lực lượng dựng rào chắn mềm xung quanh khu vực để lễ hội, tránh để người dân chạm, làm ảnh hưởng tới vật tế.