Trái cây, rau quả ngoại xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều, đa dạng ở các kênh từ truyền thống đến online, từ thành thị đến nông thôn. Tối 12-8, tại TP HCM, Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM phối hợp Hiệp hội Trái cây tươi California (CFFA) tổ chức lễ chào đón trái đào và xuân đào California lần đầu tiên được nhập khẩu chính thức vào Việt Nam.
Nhiều mặt hàng mới xuất hiện
Theo bà Caroline Stringer, Giám đốc thương mại Hiệp hội Trái cây tươi California, California hiện là bang duy nhất của Mỹ được xuất khẩu đào và xuân đào sang Việt Nam. Việt Nam cũng là thị trường 41 của quả đào và xuân đào Mỹ. "Từ 5-6 năm trước, chúng tôi đã thấy tiềm năng thị trường Việt Nam khi người tiêu dùng rất yêu thích trái cây và đam mê trái cây chất lượng cao nên đã xúc tiến mở cửa thị trường. Thực tế, xuất khẩu rau quả từ Mỹ sang Việt Nam thời gian qua tăng trưởng rất tốt. Tiếp theo, chúng tôi kỳ vọng sẽ đưa quả mận tươi của Mỹ sang Việt Nam" - bà Caroline Stringer chia sẻ.
Đại diện Hiệp hội Trái cây tươi California tại Việt Nam cho biết loại trái này thu hoạch vào mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm và được xếp vào nhóm trái cây cao cấp, vận chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không. Hiện tại đã là cuối mùa nên sản lượng xuất khẩu chưa nhiều mà kỳ vọng vào các mùa tiếp theo.
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, từ đầu năm đến nay, Việt Nam cấp phép cho nhiều mặt hàng mới như: táo tươi từ Ý, đào và xuân đào từ Mỹ, việt quất tươi Canada, cam Nam Phi, quýt Uruguay.
Riêng Trung Quốc, tuy không có mặt hàng mới nhưng số vùng trồng và cơ sở đóng gói quả tươi của Trung Quốc được xuất khẩu sang Việt Nam đã tăng lên 4.538 vùng trồng và 1.703 cơ sở đóng gói.
Cần tính toán hài hòa
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), nói rằng thị trường Việt Nam với hơn 100 triệu dân nên rất hấp dẫn các nhà cung cấp nước ngoài. "Ví dụ như Ấn Độ, trong nhiều lần tiếp xúc gần đây đều bày tỏ muốn xuất khẩu lựu, nho và xoài sang Việt Nam. Cả 3 mặt hàng này của họ đều rất rẻ và nếu được xuất khẩu chính ngạch khả năng chiếm lĩnh thị trường rất lớn. Với mặt hàng xoài, Ấn Độ là nước sản xuất có sản lượng số 1 thế giới với 20 triệu tấn, thứ 2 là Trung Quốc với 16 triệu tấn còn Việt Nam chỉ có 1 triệu tấn. Do đó, tương lai nhiều loại trái cây nội địa sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn" - ông Nguyên dự báo.
Cũng theo ông Nguyên, hiện nay việc đàm phán mở cửa thị trường trái cây thường là trao đổi 1-1. Tuy nhiên, trước đây Việt Nam cố gắng mở cửa cho vải tươi, vú sữa... nhưng giá trị mang về không bao nhiêu vì hàng mỗi năm chỉ có 1 mùa và bảo quản khó. Trong khi trái cây ngoại có ưu điểm mẫu mã đẹp, dễ bảo quản, vận chuyển và giá cả rất cạnh tranh. Nếu không khéo, Việt Nam sẽ trở thành nhập siêu với thị trường đó ở ngành hàng trái cây. "Để bảo đảm hiệu quả cho mỗi lần mở cửa, kiến nghị cơ quan chức năng cần chọn những mặt hàng mà Việt Nam có sản lượng lớn, chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh như: sầu riêng, thanh long, mít, xoài, dừa, bưởi, chanh leo..." - ông Nguyên dẫn chứng.
Ông Lê Viết Sĩ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tú Phượng Tony (TP HCM) - chuyên nhập khẩu trái cây, cho biết thị trường trái cây ngoại hiện nay đang cạnh tranh rất khốc liệt khi số lượng doanh nghiệp tham gia nhập khẩu liên tục tăng, lượng hàng về nhiều. Các loại trái cây ngoại trên thị trường chủ lực vẫn là táo, nho, cherry... "Đầu năm đến nay, đồng USD tăng khiến giá thành trái cây nhập tăng nhưng hầu hết giá bán sản phẩm đến người tiêu dùng vẫn giữ nguyên. Thậm chí, một số mặt hàng như: táo, kiwi New Zealand còn giảm giá vì được mùa" - ông Sĩ nói.
Ông Sĩ cũng nói thêm thị trường trái cây ngoại năm nay nổi lên nguồn hàng từ Trung Quốc cạnh tranh rất quyết liệt khi số lượng dồi dào, giá rẻ và chất lượng ngày càng cải thiện. Do đó, một số nhà nhập khẩu trước đây chưa kinh doanh trái cây Trung Quốc nay cũng tham gia thử nghiệm để mở rộng khách hàng, tăng trưởng doanh thu.
Theo ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TP HCM), hiện tại trái cây trong nước đang ít hàng. "Một số mặt hàng đứt lứa, một số mất mùa và xuất khẩu trái cây tăng gần đây cũng khiến nguồn cung dành cho thị trường nội địa giảm. Ví dụ, từ giữa tháng 6, xoài Trung Quốc về nhiều do xoài trong nước hết mùa, hàng rất ít, chất lượng không đạt nhưng giá lại cao. Tại chợ, trái cây ngoại nhập khẩu có cả 3 phân khúc: phổ thông (xuất xứ Trung Quốc, Ai Cập, Nam Phi...), hạng trung chủ yếu là trái cây Thái Lan và hàng cao cấp từ các nước phương Tây như: Mỹ, Úc, New Zealand với các loại quả như: nho, cherry, táo Envy...
Mỗi tháng nhập đến 175 triệu USD rau quả
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhập khẩu rau quả 7 tháng đầu năm đạt hơn 1,222 tỉ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ; tính ra bình quân mỗi tháng Việt Nam chi đến 175 triệu USD chỉ để nhập khẩu rau quả.
Tính đến nửa năm 2024, Trung Quốc là nguồn cung rau quả số 1 của Việt Nam, chiếm 39% thị phần, giá trị 397 triệu USD, tăng 27%; Mỹ đứng vị trí số 2, chiếm 20% thị phần, giá trị 206 triệu USD, tăng 41%. Trong khi Thái Lan đứng thứ 10, chiếm 2,36%, giá trị 24 triệu USD, tăng 21%.