Ngày 17/3, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, các công ty mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank để cho phép các khoản thanh toán khí đốt Nga của họ được chuyển đổi thành đồng Ruble sẽ vi phạm lệnh trừng phạt của EU. (Nguồn: Tylaz) |
Các tuyên bố mâu thuẫn
Theo cơ chế thanh toán khí đốt mới của Nga, người mua ở các quốc gia "không thân thiện" phải mở hai tài khoản tại ngân hàng Gazprombank, một tài khoản thanh toán bằng Euro và tài khoản thứ hai bằng đồng Ruble.
Tuy nhiên, ngày 17/3, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, các công ty mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank của Nga để cho phép các khoản thanh toán của họ được chuyển đổi thành đồng Ruble sẽ vi phạm lệnh trừng phạt của EU.
Tuyên bố này dường như mâu thuẫn với hướng dẫn mà EC đưa ra chỉ 4 ngày trước đó từng khiến một số công ty năng lượng lớn nhất châu Âu cho rằng họ có thể giải quyết vấn đề tiền tệ bằng cách mở hai tài khoản với ngân hàng Nga.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh một số công ty lớn của châu Âu đang cố gắng thanh toán các hóa đơn của họ đúng hạn mà không vi phạm các lệnh trừng phạt.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ, ông Eric Mamer, người phát ngôn EC, nêu rõ: "Việc mở tài khoản bằng đơn vị tiền tệ của hợp đồng với Gazprombank và hoàn tất khoản thanh toán, đều vi phạm các lệnh trừng phạt".
Tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vào cuối tháng 4. Nguyên nhân là bởi hai quốc gia này đã từ chối thanh toán bằng đồng Ruble. Các nhà lãnh đạo EU thậm chí mô tả động thái của Moscow là "hành động tống tiền".
Kể từ đó, các nhà phân phối khí đốt châu Âu, chính phủ và các quan chức EU đã cố gắng tránh sự gián đoạn nguồn cung cấp trên diện rộng, đồng thời duy trì các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow liên quan đến xung đột ở Ukraine.
Tháng trước, EC cho biết, cơ chế thanh toán mới "có vẻ như có thể" hoạt động và cho biết miễn là người mua thanh toán bằng đồng Euro và USD thì sẽ không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU.
"Người mua nên xem xét các điều khoản hợp đồng về khoản thanh toán bằng đồng Euro hoặc USD", Ủy ban nhấn mạnh trong một lưu ý hướng dẫn cho các quốc gia thành viên EU.
Doanh nghiệp châu Âu lúng túng
Các công ty châu Âu đã vật lộn trong nhiều tuần qua để tìm ra giải pháp đáp ứng yêu cầu của Moscow đồng thời duy trì nguồn cung khí đốt quan trọng mà không vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng trung ương Nga.
Nhiều doanh nghiệp có thời hạn thanh toán vào cuối tháng này và nếu họ không thanh toán, nguồn cung khí đốt có thể bị cắt.
Hướng dẫn đưa ra ngày 13/5 đã thúc đẩy một số công ty năng lượng lớn của châu Âu đưa ra các thỏa thuận mới.
Tập đoàn năng lượng ENI của Italy cho biết, họ đã bắt đầu quá trình mở hai tài khoản với Gazprombank, một tài khoản bằng Euro và một tài khoản khác bằng đồng Ruble. Sau khi gửi tiền bằng Euro, một bộ phận tại Sở giao dịch chứng khoán Moscow sẽ chuyển tiền sang đồng Ruble trong vòng 48 giờ.
Trả lời CNN, công ty năng lượng Đức RWE tiết lộ đã mở một tài khoản ngân hàng mới để thanh toán cho việc nhập khẩu khí đốt Nga, nhưng không nói cụ thể ngân hàng nào.
"Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc thanh toán bằng đồng Euro và đã mở một tài khoản tương ứng. Chúng tôi đang hành động theo quy định của châu Âu và Đức”, đại diện của công ty cho biết.
Tương tự, Tập đoàn năng lượng Pháp Engie cũng tuyên bố rằng đã đạt được thỏa thuận với Gazprom. Đáng chú ý, khí đốt Nga chiếm khoảng 20% lượng khí đốt tiêu thụ toàn cầu của tập đoàn này.
Trong một cuộc phỏng vấn, bà Catherine MacGregor, Giám đốc điều hành Tập đoàn Engie, nói: "Chúng tôi đang xem xét việc sửa đổi quá trình thanh toán, điều này dường như được Gazprom chấp nhận và tuân thủ các lệnh trừng phạt của EU".
Theo bà Catherine MacGregor, các khoản thanh toán khí đốt Nga tiếp theo của Engie sắp đến thời hạn. Tuy nhiên, bà không tiết lộ liệu Engie đã mở hoặc dự định mở một tài khoản với Gazprombank hay chưa.
Tháng trước, nhà phân phối khí đốt Uniper của Đức khẳng định sẽ tiếp tục thanh toán cho các nguồn cung cấp khí đốt Nga bằng đồng Euro. Họ coi việc chuyển đổi thanh toán vừa tuân thủ lệnh trừng phạt, vừa phù hợp yêu cầu của Moscow, là có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều thỏa hiệp với phương thức thanh toán này.
Công ty khí đốt nhà nước Gasum của Phần Lan cho biết họ "không chấp nhận" các điều khoản thanh toán của Gazprom và đang chuẩn bị cho kịch bản Moscow cắt khí đốt.
EU đã đề xuất cắt giảm tiêu thụ khí đốt Nga tới 66% vào cuối năm nay. Một kế hoạch chi tiết hơn dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 5.