Đồ uống quá nóng có thể làm tăng nguy cơ ung thư
Khả năng chịu nhiệt độ bình thường của niêm mạc thực quản là 40 độ C đến 50 độ C. Nếu vượt quá 65 độ C sẽ rất có hại và có thể gây ra các vấn đề như tổn thương và loét.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC ) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra thông báo cảnh báo rằng, uống đồ uống nóng trên 65 độ C có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản .
Mặc dù niêm mạc có chức năng tự phục hồi nhưng kích thích lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ khiến niêm mạc bị tổn thương, lâu ngày có thể dẫn đến ung thư.
Các chuyên gia khuyến cáo bạn không nên uống trà, cà phê hoặc bất cứ thức uống gì nóng trên 65 độ C và đi khám kịp thời nếu có các triệu chứng như: khó nuốt, khó tiêu dai dẳng hoặc ợ chua, buồn nôn ngay sau khi ăn.
Theo Bệnh viện K, ung thư thực quản là căn bệnh khá phổ biến ở cả hai giới, bệnh thường phát triển thầm lặng, ở giai đoạn đầu không có nhiều dấu hiệu rõ ràng dễ gây lầm tưởng với những bệnh lý thông thường khác. Chỉ đến khi bệnh tiến triển ở giai đoạn muộn hơn các triệu chứng mới rõ ràng nhận thấy như nghẹn, khó nuốt, đau rát cổ họng…
Những thói quen khác cũng làm tăng nguy cơ ung thư thực quản
Lạm dụng thực phẩm muối chua, hun khói
Việc muối chua sẽ làm tăng đáng kể nitrit trong thực phẩm, đặc biệt khi nhiệt độ cao hơn 20 ℃, hàm lượng nitrit trong món ăn sẽ tăng lên, hàm lượng càng cao thì khả năng gây ung thư càng lớn. Ăn quá nhiều thực phẩm nướng, hun khói và chiên cũng có thể làm tổn thương thực quản.
Ăn quá nhanh
Ăn quá nhanh sẽ khiến thức ăn không thể nhai hết, thức ăn chỉ được nghiền thô dễ làm tổn thương biểu mô niêm mạc thực quản, gây viêm cấp tính, lâu dần có thể chuyển thành viêm mãn tính, tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Uống rượu quá mức
Rượu sẽ kích thích niêm mạc thực quản, nhất là rượu trên 60 độ thì tổn thương niêm mạc thực quản càng rõ.
Các nghiên cứu của nước ngoài cho thấy khoảng 60% bệnh nhân ung thư thực quản là người nghiện rượu, một nghiên cứu của Đại học Delong, Thụy Điển cho thấy nếu nam giới trên 45 tuổi uống ít hoặc thậm chí không uống rượu thì nguy cơ mắc ung thư thực quản sẽ giảm 50%.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc tầm soát ung thư là yếu tố quan trọng nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này, đặc biệt với những bệnh nhân có tiền sử viêm thực quản kéo dài, ung thư vùng cổ... cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả.