Trong thời gian qua, cơ quan chức năng các địa phương liên tục phát thông tin cảnh báo lừa đảo đến người dân. Theo đó, nhiều hình thức lừa đảo công nghệ cao tiếp tục nở rộ, tuy đã liên tục cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn sập bẫy các đối tượng lừa đảo với số tiền từ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên mới đây, thêm một thủ đoạn lừa đảo mới "siêu" tinh vi mới tiếp tục được cơ quan công an các địa phương cảnh báo đến người dân.
Hình thức lừa đảo mới thông qua CMND, CCCD. Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, một nhóm đối tượng đến từng hộ dân xin chụp ảnh CMND, CCCD. Mỗi CMND, CCCD sẽ trả cho người dân 100.000đ. Đáng lưu ý, mã QR và chip trên thẻ CCCD gắn chíp chứa rất nhiều thông tin cá nhân của công dân mà tội phạm công nghệ cao có thể triệt để lợi dụng; chỉ cần dựa vào mã QR hoặc thông tin trên thẻ CCCD có thể biết rõ thông tin cá nhân của công dân.
Từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường như: dùng hình ảnh CMND, CCCD của công dân để đăng ký tài khoản ngân hàng, vay tiền trên app, đăng ký số điện thoại trả sau, đăng ký mã số thuế ảo...
Trước tình trạng trên, Công an nhiều địa phương đã khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản của cá nhân.
Người dân không nên chia sẻ hình ảnh CMND, CCCD trên mạng xã hội, không cung cấp thông tin cá nhân và không cho đối tượng lạ chụp ảnh CMND, CCCD mà không rõ mục đích.
Nếu phát hiện tình trạng trên, người dân cần báo ngay cơ quan công an gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Mã QR và chip trên thẻ CCCD gắn chíp chứa rất nhiều thông tin cá nhân của công dân mà tội phạm công nghệ cao có thể lợi dụng.
Ngoài ra, thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, Internet, mạng xã hội vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên toàn quốc với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tuy được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có rất nhiều người dân sập bẫy các đối tượng với số tiền từ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng.
Trong đó nổi lên 5 hình thức lừa đảo chủ yếu sau:
1. Giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của bạn đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, để nhận được tài sản đó phải mất phí nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp, khi người dân đóng tiền vào để nhận thưởng thì các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó.
2. Đối tượng giả danh là cán bộ Ngân hàng, gọi điện cho bị hại thông báo có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet Banking của khách hàng bị lỗi... nên yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra. Các đối tượng sử dụng thông tin bị hại cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại.
3. Giả danh Công an, Tòa án gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Khi người dân do lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng yêu cầu thì các đối tượng chuyển tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác và chiếm đoạt.
4. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
5. Lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 với nhiều khó khăn, nhu cầu xin việc của người lao động ngày một tăng với mục đích cải thiện thu nhập. Nắm bắt được điều này các đối tượng đã đánh vào lòng tham của những người suy nghĩ đơn giản là việc làm nhàn hạ mà lãi cao nên đã giăng bẫy.
Ban đầu chúng nhử “con mồi”, khi đã cắn câu và được rút tiền bình thường, nộp số tiền nhiều thì “sập mạng” người chơi không thể thực hiện “nhiệm vụ”, mất số tiền đã đầu tư.
Theo Trí Thức Trẻ