Khó khăn trăm bề
Vào thời điểm giữa tháng 7, dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng tại TPHCM, bà Lê Thị Hồng Canh (đã nghỉ hưu), từng làm điều dưỡng tại Bệnh viện 115, nhưng vẫn xin đi tình nguyện tham gia chống dịch trong suốt nhiều tháng qua.
“Hiện tôi đang làm tình nguyện ở Trạm y tế lưu động số 5, phường 12, quận 10, địa bàn có dân số đông nhưng nhân viên y tế lại quá mỏng. Nguy hiểm luôn thường trực nhưng với nghĩ đi làm điều thiện, giúp đỡ bà con đẩy lùi dịch bệnh nên tôi cố gắng đi”, bà Lê Thị Hồng Canh chia sẻ.
Còn với những người được phân bổ về tuyến y tế cơ sở làm việc, không chỉ cố gắng bám trụ mà họ còn phải vượt qua nhiều khó khăn của cơ chế, cơ hội thăng tiến, điều kiện làm việc hạn chế để ở lại.
Bác sĩ Nông Thị Thu Thảo sau khi ra trường đã được điều động về Trạm Y tế phường 15, quận Phú Nhuận làm việc. Nhớ lại thời gian đầu khó khăn, bác sĩ Thảo chia sẻ: “Thời điểm dịch tôi ở lại trạm y tế, có cấp cứu nửa đêm cũng đi, nhập số liệu, làm xét nghiệm… mọi việc rất bận, căng thẳng. Cũng may giai đoạn đó cũng có sinh viên y Hà Nội tiếp viện”.
Thẳng thắn trình bày thực trạng tuyến y tế cơ sở, BS Nguyễn Thái - Giám đốc Trung tâm Y tế quận 3 - cho biết, vấn đề cần nhất hiện nay là có thể giữ chân được nhân viên y tế.
"Hết đợt dịch COVID-19 vừa rồi, một y sĩ y học cổ truyền của trạm y tế đã đến gặp tôi xin nghỉ việc vì gia đình không thể chấp nhận một người con, người vợ mà 4-5 tháng không về nhà" - BS Thái chia sẻ.
Cùng với đó là cơ sở vật chất, đặc biệt là xe cứu thương cho các trạm y tế, trung tâm y tế quận 3 hiện nay rất khó khăn. BS Thái dẫn chứng đợt dịch vừa qua, trung tâm y tế quận phải sử dụng cả xe chở vật liệu xây dựng chuyển bệnh nhân cấp cứu vì không có xe.
Sau khi đi khảo sát thực tế tuyến y tế cơ sở và nhận ra nhiều vấn đề còn tồn tại, yếu kém, ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM - đặt vấn đề: Ai sẽ về trạm y tế trong thời gian này? Lấy nguồn từ đâu? Nếu tăng biên chế thì con người có không?
"Tôi đi xã Vĩnh Lộc B với 180.000 dân chỉ có 7 nhân viên y tế, không có bác sĩ, mỗi nhân viên y tế quản lý 25.000 dân. Quận 4 có 13 trạm y tế chỉ duy nhất có 1 trạm bổ nhiệm được trưởng trạm. Mô hình hợp tác công tư ở quận 3 thu hút được cả bác sĩ chuyên khoa 1 nhưng cũng chỉ đang là thí điểm, nhiều nơi muốn làm nhưng vướng cơ chế, trong khi "xé rào" cơ chế chính sách thì rủi ro rất cao" - ông Bình thẳng thắn nhận xét.
Cần cơ chế đặc thù để củng cố, nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở
Rõ ràng, đợt dịch vừa qua cho thấy những yếu kém của tuyến y tế cơ sở bộc lộ rõ. Ngoài thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị y tế thì lực lượng y tế ở đây còn thiếu cả cơ hội để học hỏi, cọ sát năng lực, nâng cao tay nghề. Đó cũng chính là nguyên nhân lớn khiến y tế cơ sở khó thu hút nhân lực.
PGS-TS Vũ Minh Phúc - Cựu Phó khoa Y, Cựu chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược (TPHCM) - chia sẻ: “Có nhiều phường khối lượng dân rất lớn, nhưng chỉ có 1 bác sĩ hoặc 1 y sĩ. Dịch COVID-19 vừa rồi y tế cơ sở được vực dậy mà lực lượng chủ yếu là do chi viện. Ai sẽ về y tế cơ sở khi mọi chế độ làm việc, môi trường đều hạn hẹp”.
Nói về giải pháp thu hút nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, PGS-TS Vũ Minh Phúc cho rằng: “Để cải thiện được năng lực chuyên môn và cơ hội nghề cho lực lượng y tế cơ sở, chúng ta cần tạo cơ hội cho họ có thời gian vừa làm việc tuyến trên vừa làm việc ở Trạm y tế. Ví dụ, 4 tiếng làm việc ở bệnh viện, 4 tiếng còn lại ở Trạm y tế, cơ chế lương nhận hai đầu giúp các bác sĩ nâng cao tay nghề mà vẫn ổn định cuộc sống”.
Gỡ rối về nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - chia sẻ: "Tăng định biên cộng thêm hỗ trợ thu nhập, ký hợp đồng với người đã nghỉ hưu… thì hy vọng sẽ có nguồn nhân lực cho các trạm y tế". Đồng thời, nếu được triển khai sớm chương trình thực hành tại y tế cơ sở cho bác sĩ tốt nghiệp, mỗi năm sẽ có được 400 bác sĩ đến các trạm y tế, trung tâm y tế.
Bên cạnh đó, thành phố cũng phải tính đến vấn đề dân có đến trạm y tế hay không khi hiện nay các trạm y tế không có chế độ BHYT, không được cấp phát thuốc, không có nguồn thu từ dịch vụ. Trong khi đó, nhiều bác sĩ tại y tế cơ sở muốn xin cơ chế được khám ngoài giờ để cải thiện thu nhập.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, rất mong TP xem xét cơ chế đặc thù, giải quyết sớm tờ trình của sở về đề xuất cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở vì "TPHCM phải đi đầu về vấn đề này".
Đề xuất hỗ trợ bác sĩ ở trạm y tế 5 triệu đồng/nguời/tháng
Hiện nay hơn 50% trạm y tế không có trưởng trạm, thực trạng này đã kéo dài từ lâu do thiếu tiêu chuẩn bổ nhiệm. Để thu hút nhân lực và giữ chân y, bác sĩ cho các trạm y tế, tại buổi làm việc mới đây với Ban Văn hóa HĐND TPHCM, Sở Y tế TPHCM kiến nghị điều chỉnh tăng mức trần biên chế cho trạm y tế từ 10 lên 20 biên chế. Hỗ trợ bác sĩ tại trạm y tế 5 triệu đồng/người/tháng; cử nhân đại học, y sĩ 4 triệu đồng/tháng; cao đẳng, trung cấp 3 triệu đồng/tháng. Đồng thời, Sở Y tế TPHCM đề xuất không phân bổ trạm y tế theo hệ thống hành chính (mỗi phường, xã, thị trấn có 1 trạm y tế) mà theo khu vực và quy mô dân số (cứ mỗi khu vực có 10.000 dân thì có một trạm y tế), chuyển trạm y tế phường, xã, thị trấn, trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện từ trực thuộc Sở Y tế trở về trực thuộc UBND quận, huyện…