Sở GTVT TPHCM vừa gửi văn bản tới Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cùng một số đơn vị liên quan, nhằm xin ý kiến về phương án tổ chức giao thông đối với xe khách trên địa bàn. Trong đó, cơ quan này đưa ra 2 phương án hạn chế xe khách theo từng giai đoạn.
Sở GTVT thành phố đề xuất, khu vực hạn chế xe được giới hạn bởi các đường, tuyến gồm: Quốc lộ 1 ở hướng Bắc và Tây, xa lộ Hà Nội - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống ở hướng Đông, đường Võ Chí Công - cầu Phú Mỹ - đường trên cao - Nguyễn Văn Linh ở phía Nam.
Theo phương án đầu tiên, thành phố sẽ hạn chế xe khách giường nằm trong 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ năm 2022-2025, thành phố sẽ hạn chế xe khách giường nằm lưu thông vào nội đô trong thời gian 6h đến 22h hàng ngày.
Giai đoạn từ năm 2025-2030, TPHCM sẽ hạn chế xe khách trên 30 chỗ di chuyển vào khu vực nội đô, ngoại trừ xe buýt, xe tang lễ, xe công vụ, xe du lịch được thành phố cấp phù hiệu riêng. Thời gian giới hạn xe khách từ 6h đến 22h hàng ngày.
Phương án này có nhiều ưu điểm đối với hoạt động giao thông vận tải, góp phần giảm ùn tắc cho thành phố và giải quyết các bất cập hiện hữu trong quản lý. Tuy nhiên, phương án sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên 30 chỗ, đặc biệt là xe du lịch và hợp đồng.
Phương án thứ 2 được Sở GTVT TPHCM đưa ra cũng có khu vực hạn chế, khung giờ hạn chế xe khách và các giai đoạn thực hiện giống phương án đầu tiên. Điểm khác biệt của phương án này là ngành giao thông sẽ hạn chế các phương tiện vận tải hành khách trên 16 chỗ trong giai đoạn 2.
Sau khi so sánh các phương án, Sở GTVT TPHCM cho rằng, cả 2 phương án đều có khả năng giảm diện tích chiếm dụng mặt đường, tăng vận tốc lưu thông bình quân của các loại phương tiện. Tuy nhiên, phương án hạn chế xe khách trên 16 chỗ sẽ tác động tới tình hình kinh tế - xã hội lớn hơn.
Do đó, theo ý kiến của Sở GTVT, phương án đầu tiên là lựa chọn tối ưu hơn. Khi áp dụng phương án này, hoạt động vận tải hành khách trong khu vực vẫn được đảm bảo và giảm thiểu tác động tới kinh tế - xã hội.
Hiện tại, vấn đề ùn tắc giao thông của TPHCM chưa được cải thiện sau nhiều năm và có xu hướng gia tăng. Bình quân hàng năm, lượng phương tiện của thành phố tăng 8%, gây áp lực lớn cho hạ tầng giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, việc quản lý xe khách trên địa bàn còn nhiều bất cập. Thời gian qua, thành phố đã ghi nhận tình trạng xe khách liên tỉnh từ các địa phương lưu thông vào nội đô, không vào bến xe, những xe dù, bến cóc vẫn còn tồn tại.