Sáng 2/6, UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 6 năm 2022. Qua đánh giá chung, nền kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo sự tin tưởng cho người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Về vấn đề y tế, dịch Covid-19 tại TPHCM đã được kiểm soát, trong 2 tháng gần đây, địa phương không ghi nhận thêm trường hợp tử vong. Tuy nhiên, TPHCM vẫn phải ứng phó với những dịch bệnh khác và chủ động trước các tình huống xấu về dịch Covid-19 trong tương lai.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhìn nhận, kết quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 địa phương đạt được hiện nay có một phần dựa trên thành công của những đợt tiêm chủng cuối năm 2021. Tuy nhiên, hiệu lực của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian, đây là điều cần lưu ý.
Lãnh đạo UBND TPHCM đánh giá, thời gian gần đây, công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 còn một số vấn đề nhất định, liên quan đến tâm lý người dân. Cụ thể, việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trên địa bàn còn chậm, nhiều phụ huynh chưa đồng thuận.
Việc tiêm chủng mũi vaccine Covid-19 thứ 4 cũng còn khá khó khăn. Nguyên nhân là bởi, người dân thấy tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đã ổn hoặc họ cảm thấy ngại, không muốn tiếp tục tiêm.
"Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, chưa biết chuyện gì sẽ tiếp tục xảy ra, các biến chủng mới vẫn xuất hiện. Nếu dịch Covid-19 quay lại, chúng ta không có sự bảo vệ của vaccine thì rất nguy hiểm", ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Do vậy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông làm tốt công tác vận động, thuyết phục người dân tiêm đủ mũi vaccine Covid-19. Bên cạnh đó, ông Đức cũng nhận định, công tác tiêm vaccine Covid-19 nhằm phòng, chống dịch bệnh thuộc nhóm A, có tính chất bắt buộc. Sở Y tế cần làm việc với Bộ Y tế để xin ý kiến, làm rõ vấn đề pháp lý trong công tác tiêm chủng.
Tại buổi làm việc, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông tin, hiện tại, vaccine Covid-19 được Bộ Y tế cấp phát cho thành phố với số lượng lớn, dựa trên dữ liệu đăng ký tiêm chủng. Bộ Y tế cũng từ chối cho các tỉnh, thành trả lại.
Do vậy, nếu các địa phương đã được cấp đủ số lượng vaccine mà không tiêm hết, khi dịch Covid-19 bùng lên, địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Trước tình hình đó, Sở Y tế đã xin ý kiến UBND TPHCM phân bổ trực tiếp vaccine cho các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
"Hiện nay, số lượng trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi được tiêm vaccine Covid-19 chỉ chiếm một phần ba số liệu thống kê được. Số người tiêm mũi nhắc lại thứ 4 chỉ đạt 1%, vẫn còn thấp", ông Tăng Chí Thượng dẫn số liệu.
Tại phiên họp lần này, UBND TPHCM cũng nhìn nhận, bên cạnh nhiều thuận lợi, kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội thì thành phố cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức, những tác động đan xen nhiều mặt.
Thị trường chứng khoán suy giảm đã ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư; nguy cơ lạm phát có biểu hiện gia tăng do diễn biến tình hình thế giới; một số ngành có chỉ số lao động giảm như sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 36,3%; sản xuất đồ uống giảm 22,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 21,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 16,6%.
Đáng lưu ý, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ do nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chủ yếu là ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021. Trong khi đó, việc tái khởi động thi công các dự án đầu năm 2022 có độ trễ nhất định sau thời gian thành phố thực hiện ứng phó với tình hình dịch Covid-19, chi phí đầu vào tăng cao.