UBND TPHCM vừa có ý kiến chỉ đạo về quy hoạch kết nối giao thông tuyến đường ven sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Ba Son, quận 1 đến cầu Sài Gòn, quận Bình Thạnh).
UBND TP giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý Đường sắt đô thị, UBND quận 1, UBND quận Bình Thạnh rà soát phương án quy hoạch đường ven sông Sài Gòn.
Các đơn vị đồng thời có ý kiến, đánh giá tác động của phương án quy hoạch đến tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, hay việc kết nối giao thông và khả năng ảnh hưởng đến các dự án đầu tư có liên quan tại khu vực.
Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, Sở Quy hoạch và Kiến trúc tổng hợp, báo cáo đề xuất phương án quy hoạch kết nối giao thông tuyến đường ven sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Ba Son, quận 1 đến cầu Sài Gòn, quận Bình Thạnh), trình UBND TP trước ngày 25/3 để xem xét, bổ sung vào nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.
Dự án xây mới đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Ba Son đến cầu Bình Triệu) dài gần 4km, tổng vốn khoảng 3.380 tỷ đồng, triển khai giai đoạn 2024-2030.
Dự án chia làm 2 đoạn, trong đó đoạn từ cầu Ba Son đến ranh Tân Cảng dài gần 1,95km sẽ đầu tư rộng 31-35m. Đoạn từ cầu Sài Gòn đến Thanh Đa dài 1,98km dự kiến rộng 20-50m.
Trước đó, Sở GTVT đề xuất đầu tư dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trả chậm bằng ngân sách theo cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 98 của Quốc hội. Theo đó, nhà đầu tư huy động vốn làm dự án và TPHCM sẽ thanh toán (sau khi công trình hoàn thành, được quyết toán) trong khoảng thời gian 5-10 năm.
Cụ thể, nhà đầu tư sẽ bỏ ra 2.660 tỷ đồng xây dựng, còn ngân sách TPHCM chi khoảng 720 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng. Sở GTVT đề xuất chi 500 triệu đồng để lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án giai đoạn 2024-2025.
Đường ven sông Sài Gòn sẽ tạo trục giao thông mới dọc hành lang Bắc - Nam thành phố, kết nối giao thông khu vực quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi với trung tâm TPHCM. Tuyến đường này cũng kết nối các tuyến Vành đai 2, 3, 4 và các tuyến cao tốc, giúp giảm áp lực cho giao thông đường bộ.
Tuyến đường ven sông cũng mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, dịch vụ ven sông, phát triển kinh tế ven sông. Việc khai thác các quỹ đất dọc sông Sài Gòn cũng giúp tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển.