Theo quy định về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi được UBND TPHCM ban hành đầu tháng 3, một số khu vực có hệ số K lên tới mức gấp 25 lần giá đất Nhà nước. Thông tin này được người dân, dư luận đặc biệt quan tâm những ngày gần đây.
TP Thủ Đức là một trong số những địa bàn có hệ số K cao nhất lên tới 25 lần theo quyết định trên. Theo khảo sát của báo Dân trí tại các sàn giao dịch bất động sản, nếu quy đổi theo hệ số này, giá đất ở tại một số khu vực của Thủ Đức sẽ tiệm cận, hoặc thậm chí cao hơn so với giá thị trường.
Đơn cử như giá các lô đất trên tuyến đường Trần Não (TP Thủ Đức) được rao bán với mức từ hơn 100 triệu đồng/m2 đến 300 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Theo bảng giá đất TPHCM giai đoạn 2020-2024 và quy định hệ số K mới ban hành, giá đất để lập phương án bồi thường tại khu vực này sẽ dao động 79,2 triệu đồng/m2 - 330 triệu đồng/m2 tại khu vực cuối đường và từ 132 triệu đồng/m2 - 550 triệu đồng/m2 tại phía đầu gần Xa lộ Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở TN&MT TPHCM cho rằng, những ngày qua, dư luận có một số sự hiểu nhầm về hệ số K mà thành phố mới ban hành. Hệ số này không quyết định giá bồi thường cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Ý nghĩa của hệ số K vừa ban hành
Ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó trưởng phòng Kinh tế đất - Sở TN&MT TPHCM, phân tích, hệ số K để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi là khung tối đa và tối thiểu khi thành phố lấy ý kiến người dân. Dựa trên khung này, căn cứ giá đất được UBND TPHCM phê duyệt, các địa phương cân đối lại mức giá phù hợp và đưa vào phương án lấy ý kiến người dân.
"Người ta nghĩ hệ số đó là giá bồi thường nhưng không phải. Từ khung giá đó, các địa phương phải thuê đơn vị tư vấn, khảo sát thị trường rồi mới lập ra hệ số mới, phù hợp hơn", ông Nguyễn Hiếu Hòa thông tin.
Đại diện Sở TN&MT TPHCM làm rõ thêm, quyết định UBND TPHCM mới ban hành chỉ mang tính hỗ trợ chủ đầu tư thiết lập, dự toán bồi thường trong dự án, giúp người dân bị thu hồi đất ước tính mức bồi thường dự kiến. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các đơn vị tư vấn xác định giá đất cho từng vị trí cụ thể.
Quyết định này cũng giúp tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có cơ sở để tổng hợp và đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất cho phù hợp. Đây là một khâu quan trọng trong quá trình đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời thể hiện sự dân chủ, minh bạch trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Như vậy, TP Thủ Đức và các quận, huyện khi quyết định xây dựng hệ số cụ thể để đưa vào phương án phải phù hợp với mục đích sử dụng, vị trí, tuyến đường để áp cho từng dự án. Đặc biệt đối với địa phương có khu vực đô thị hóa, tốc độ phát triển mạnh mà bảng giá đất của thành phố chưa điều chỉnh kịp thời so với giá thị trường thì cần có khung hệ số đủ rộng để thuận lợi trong việc đề xuất giá đất cụ thể cho từng vị trí.
"Các địa phương căn cứ hệ số K mới ban hành, căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội của địa phương, khảo sát giá đất thị trường, lấy đơn giá đất dự kiến chia cho giá đất trong bảng giá UBND TPHCM ban hành mới đưa ra đề xuất hệ số cụ thể cho từng vị trí dự kiến thu hồi đất", Phó trưởng phòng Kinh tế đất chia sẻ.
Giá đất bồi thường được hình thành ra sao?
Hệ số K được UBND TPHCM ban hành ngày 8/3 vừa qua chỉ sử dụng để phục vụ khâu đầu tiên trong quy trình xác định giá đất thu hồi. Sở TN&MT TPHCM cho biết, việc xác định giá đất cụ thể của loại đất thu hồi để tính bồi thường sẽ được thực hiện qua 6 bước.
Sau khi xác định được hệ số giá đất dự kiến, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ đưa vào phương án để niêm yết, lấy ý kiến người dân. Đồng thời, địa phương sẽ thuê đơn vị tư vấn có chức năng thẩm định giá tổ chức điều tra, khảo sát giá đất phổ biến trên thị trường và lập chứng thư định giá đất.
Sau khi có chứng thư này cùng với tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân trong khu vực thu hồi đất, địa phương tiếp tục căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội để xem xét, nghiệm thu chứng thư định giá. Chính quyền các quận, huyện, TP Thủ Đức lập tờ trình hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đề nghị Sở TN&MT trình Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố.
Sở TN&MT sẽ rà soát, căn cứ các dữ liệu về pháp lý, giá đất để tổng hợp trình Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố tiến hành thẩm định.
Sau khi nhận được Tờ trình của Ủy ban nhân dân quận - huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, căn cứ pháp lý và dự liệu giá đất để tổng hợp trình Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố thẩm định.
Hội đồng sẽ thực hiện thẩm định sau quy định và ban hành thông báo kết luận thẩm định. Kết quả thẩm định sẽ được Sở TN&MT tổng hợp trình UBND TPHCM xem xét.
Bước cuối cùng, UBND TPHCM sẽ xem xét và ban hành quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho từng khu vực có đất bị thu hồi.
Ngày 8/3 vừa qua, UBND TPHCM đã quyết định ban hành quy định về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn.
Đối với đất phi nông nghiệp là đất ở, các quận nội thành TPHCM có hệ số K thấp hơn các huyện ngoại thành. Khu vực có hệ số K cao nhất là huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức với tối đa 25 lần.
Đối với đất nông nghiệp, TPHCM quy định hệ số K từ 5-38 lần giá Nhà nước quy định. Nơi có hệ số K cho đất nông nghiệp cao nhất là huyện Bình Chánh với 15-38 lần. Nơi có hệ số K đất nông nghiệp thấp nhất là huyện Cần Giờ với 5-`12 lần.
Các hệ số điều chỉnh nói trên có hiệu lực kể từ ngày 18/3. Trong quá trình thực hiện, các địa phương sẽ tùy điều kiện cụ thể để rà soát các dự án đã được phê duyệt trong một năm qua để cân đối hệ số K đối với đất ở và đất nông nghiệp.