Năm 2017, nhận diện về tầm quan trọng và dư địa phát triển trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Quốc hội đã bàn hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Năm 2022 là thời điểm việc thí điểm hoàn tất thời hạn 5 năm. Nhìn lại quá trình thực hiện, đô thị sôi động nhất cả nước đã tạo được nhiều sức bật từ những cơ chế, chính sách đặc thù. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khoảng rộng của chính sách mà thành phố chưa thể tận dụng, thậm chí có phần lãng phí.
Tại kỳ họp của HĐND TPHCM gần nhất, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố, thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương chưa đạt kết quả cao, một số nội dung chưa thực hiện quyết liệt. Một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ việc, dù đặc thù, nhưng nhiều vấn đề của thành phố vẫn phải xin ý kiến Trung ương và nhận được hướng dẫn thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Nhiều điều còn dang dở
Trong số những cơ chế, chính sách đặc thù, lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý đầu tư được đánh giá là phù hợp, cần thiết và mong muốn được duy trì. Tuy nhiên, thực tiễn 5 năm qua, hiệu quả mà TPHCM đạt được trong nội dung này còn rất hạn chế.
Trước thời điểm Nghị quyết 54 ra đời, các địa phương cần xin ý kiến Thủ tướng trong việc chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa. Với những cơ chế, chính sách đặc thù, TPHCM được chủ động xem xét đối với các dự án này.
Đến nay, UBND TPHCM đã trình HĐND cùng cấp 32 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trên 10ha đất trồng lúa, với tổng diện tích hơn 1.800ha. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị, bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa được chuẩn bị tốt, 31/32 dự án chưa hoàn thành tiến độ, dự án còn lại đã bị hủy bỏ danh mục thu hồi.
Chính quyền thành phố nhận định, cơ chế được chủ động xem xét các dự án trên 10ha đất trồng lúa là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện tại, cần duy trì trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, địa phương này cần sớm giải quyết triệt để những hạn chế, yếu kém vẫn tồn tại.
Đối với quản lý đầu tư, trong thời gian thí điểm, TPHCM cũng trình HĐND quyết định chủ trương 5 dự án nhóm A, chuyển 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A, vốn thuộc thẩm quyền của Trung ương trước đây. Tuy nhiên, tất cả 6 dự án đều chậm tiến độ, trong đó, 3 dự án do nhiều khó khăn, vướng mắc và 3 dự án chưa thực hiện.
Nghị quyết 54 cũng cho phép TPHCM hưởng toàn bộ số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước thay vì phải phân cấp nguồn thu với Trung ương. Tuy nhiên, do quá trình triển khai còn nhiều bất cập, TPHCM cũng chưa thu được khoản nào từ chính sách này.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhìn nhận, trong số các cơ chế, chính sách đặc thù được quy định tại Nghị quyết 54, thành phố còn nhiều điều chưa thể tận dụng. Ngoài những nguyên nhân đến từ quá trình thực hiện, áp dụng, đại dịch Covid-19 cũng khiến TPHCM mất đi 2 năm trong thời hạn 5 năm thí điểm.
TPHCM muốn duy trì cơ chế nào?
Ông Trần Hoàng Ngân đánh giá, một trong những nội dung thành phố đã phát huy tốt các cơ chế, chính sách đặc thù là chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Vị đại biểu Quốc hội phân tích, năng suất lao động của thành phố gấp khoảng 2,7 lần bình quân cả nước, mỗi cán bộ làm việc tại đây có khối lượng công việc lớn, do đó, việc chi thu nhập tăng thêm để hỗ trợ họ là hợp lý.
"Thành phố đặt mục tiêu chi hỗ trợ gấp 1,8 lần tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, nhưng thật ra chưa bao giờ đạt con số ấy. Dù vậy, việc chi thu nhập tăng thêm đã góp phần thúc đẩy họ làm việc tích cực hơn, có động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ", ông Trần Hoàng Ngân nhận định.
Đây cũng là một trong những cơ chế đặc thù được TPHCM kiến nghị tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Ngoài việc cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức, chính sách này còn giúp thu hẹp khoảng cách giữa khu vực công và khu vực tư.
Đối với chính sách thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, trong 5 năm qua, TPHCM mới phê duyệt kết quả đối với 5 chuyên gia, nhà khoa học và 5 người có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao. Dù những gì đạt được còn hạn chế, nhưng thành phố đã bước đầu khắc phục tình trạng chảy máu chất xám, tận dụng những tri thức, kinh nghiệm chất lượng cao.
Trong bản cáo cáo gửi Trung ương, UBND TPHCM thẳng thắn chỉ rõ, một số nội dung của Nghị quyết 54 còn thực hiện chậm so với dự kiến. Nguyên nhân là do còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành, một số vấn đề mới, có tính phức tạp tác động lớn, lâu dài cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.
Ngoài ra, trong 2 năm đầu kể từ khi Nghị quyết 54 có hiệu lực (2018, 2019), thành phố đã thực hiện rất quyết liệt, nhưng chủ yếu là công tác chuẩn bị. Những năm sau đó, đại dịch Covid-19 đã khiến các kỳ vọng về chính sách mới bị đứt gãy do đây là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
TPHCM kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến khi ban hành nghị quyết mới thay thế. Đồng thời, UBND TPHCM mong muốn Chính phủ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội nhằm tạo cơ chế, chính sách mới để địa phương tiếp tục đi đầu trong đổi mới, năng động, sáng tạo theo nhiệm vụ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao tại buổi làm việc mới đây.
Ngày 24/11/2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Nghị quyết có thời hạn 5 năm kể từ ngày 15/1/2018.
Nghị quyết 54 xác định rõ 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực tại TPHCM được điều chỉnh khác với các quy định pháp luật hiện hành nhưng vẫn tuân thủ Hiến pháp. Những cơ chế, chính sách đặc thù mà TPHCM được hưởng thuộc lĩnh vực quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước; cơ chế ủy quyền; cơ chế thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý.