Thí điểm xây dựng trạm y tế theo quy mô dân số
Ngày 8.12, kỳ họp thứ 4 HĐND TPHCM đã chất vấn Giám đốc Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND TPHCM về công tác phòng chống dịch và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Bày tỏ sự quan tâm đến nhân lực y tế của TPHCM, đại biểu Tăng Hữu Phong phân tích, thành phố đang có tỉ lệ nhân viên y tế cơ sở/10.000 dân là 2,31, thấp hơn nhiều tỉ lệ 6,06 của Hà Nội và 7,42 của cả nước. Các đợt dịch vừa qua, lực lượng y tế cơ sở của TPHCM đã chống chịu với mức cao nhất, nhiều người đã quá tải, phải nghỉ việc.
“Hiện tại, trạm y tế phường, xã không được quá 10 biên chế, trong khi TPHCM có các phường xã trên 50.000 dân, thậm chí trên 100.000 dân. Câu hỏi đặt ra là thành phố cần bổ sung bao nhiêu nhân lực y tế và có đáp ứng được không” - ông Tăng Hữu Phong nêu.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng thừa nhận, bình thường tuyến y tế cơ sở đã có những hạn chế, khi dịch bùng phát điều này càng bộc lộ rõ. Trong năm nay, có khoảng 1.000 nhân viên y tế ở cơ sở nghỉ việc vì bị kiệt sức sau nhiều tháng tham gia chống dịch, cùng với thu nhập thấp.
Ông Thượng cho biết, Sở Y tế đã có đề án gửi Thường trực UBND TPHCM, trong đó đề xuất nhiều chính sách giữ chân nhân lực tuyến y tế cơ sở. Chính sách đầu tiên, thành phố cần hỗ trợ nhân viên y tế cơ sở 4-6 triệu đồng mỗi tháng. Thứ 2 là chính sách thu hút nhân viên y tế đến công tác tại các tuyến cơ sở. Sở Y tế đã kiến nghị bác sĩ mới tốt nghiệp thay vì tới thực hành 18 tháng ở bệnh viện sẽ làm việc tại trạm y tế 12 tháng.
Để các bác sĩ an tâm, ngành Y tế đề xuất TPHCM hỗ trợ mức 1,5 lần lương tối thiểu vùng khi thực hành công tác. Nếu được thông qua, ước tính mỗi năm có 500 bác sĩ đến các trạm y tế.
Cuối cùng, thành phố sẽ tăng người cho trạm y tế. Quy định hiện nay, mỗi trạm y tế phải có 5 đến 10 nhân viên. Tuy nhiên, ở TPHCM có những phường xã rất đông dân, có nơi khoảng 170.000 dân, 5-10 nhân viên y tế không đáp ứng nổi. Tại những nơi này, Sở Y tế sẽ kiến nghị tăng trần biên chế trạm y tế từ 10 đến 20 người.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, việc nâng cao năng lực y tế cơ sở là vấn đề cấp bách của TPHCM trong thời điểm hiện tại.
TPHCM đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế và thống nhất sẽ triển khai đề án thí điểm xây dựng, tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số (tính theo một vạn dân) chứ không theo địa giới hành chính. Việc này sẽ giải quyết được vấn đề là nhân sự y tế của các trạm chưa đáp ứng được quy mô dân số khi dịch bùng phát.
Cùng với đẩy nhanh xây dựng các trạm y tế trong thời gian tới, TPHCM sẽ lập thêm các trạm y tế lưu động, huy động lực lượng từ bên ngoài như lực lượng quân y, bác sĩ hưu trí, y tế tư nhân cùng tham gia, vận hành. Các phường đông dân cư có thể thành lập nhiều trạm y tế lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch.
Hoàn thành đường Vành đai 2 trong nhiệm kỳ này
Vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông cũng được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn tại kỳ họp lần này. Theo đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh, liên quan dự án Vành đai 2, 3, báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tình hình rất khó khăn, không rõ thời điểm bố trí vốn.
“Với sự quan tâm, kỳ vọng của cử tri, thành phố có giải pháp gì để phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là dự án Vành đai 2, 3?” - đại biểu Thanh đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, ông Phan Văn Mãi cho biết, với dự án Vành đai 2, TPHCM cố gắng trong năm 2022 cân đối nguồn vốn để khởi động, hoàn thành trong nhiệm kỳ này. Với Vành đai 3, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho TPHCM và các địa phương nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, hình thức đầu tư này chưa khả thi vì phải mất đến 29 năm để thực hiện. Do đó, thành phố đã báo cáo Thủ tướng nghiên cứu theo hình thức đầu tư công, hoàn thành trong nhiệm kỳ 2021 -2025.
“Thành phố đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí mặt bằng, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai sẽ chủ động kinh phí xây lắp” - ông Mãi nói. Thành phố sẽ quyết tâm thực hiện các dự án vành đai vì những công trình này tạo động lực cho sự phát triển của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM, nguồn lực xã hội có ý nghĩa và tiềm năng rất lớn đối với thành phố trong việc giải quyết bài toán nhu cầu vốn. Để khơi thông, tận dụng được nguồn lực này, thành phố cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân đã và sẽ đầu tư vào địa bàn.
Thành phố đã thành lập tổ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, dự án trên địa bàn.
Từ ngày 1.10 đến nay, trung bình mỗi tuần, tổ công tác này giải quyết được khó khăn của 7-10 hồ sơ và sẽ liên tục phân nhóm các dự án tư nhân còn tồn đọng để giải quyết.
Bên cạnh đó, dựa trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, thành phố sẽ rà soát kỹ lưỡng các công trình, dự án trên cơ sở ưu tiên kêu gọi nguồn lực tư nhân, hợp tác công tư tham gia đầu tư.
Thành phố cũng cam kết sẽ hợp tác giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư khi tham gia.