Về lộ trình mở lại kênh phân phối truyền thống tại TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, kế hoạch của thành phố là sau ngày 30/9 sẽ mở lại nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
TP.HCM cũng đã ban hành Bộ Tiêu chí hoạt động chợ đầu mối, chợ truyền thống an toàn theo lộ trình ban đầu là 10% rồi tiến dần lên 20%, 30%, 50%... với điều kiện là tất cả thương nhân và nhân viên lao động tham gia làm việc, buôn bán tại chợ được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và bảo đảm đáp ứng tất cả tiêu chí đánh giá trong Bộ Tiêu chí hoạt động an toàn chợ đầu mối do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM ban hành.
Vì vậy, căn cứ vào điều kiện thực tế trên địa bàn mà các quận, huyện, thành phố Thủ Đức sẽ xây dựng lộ trình mở lại kênh phân phối truyền thống. Việc khôi phục kênh phân phối truyền thống nhằm tạo điều kiện cho người dân mua sắm hàng hóa, thực phẩm dễ dàng, thuận tiện hơn, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại thị trường nội địa.
Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, UBND TP.HCM đã ban hành bộ tiêu chí mở cửa lại các chợ. Sở Công Thương đã triển khai đến các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để tổ chức lại chợ truyền thống.
Hiện tại, các địa phương đang xây dựng phương án để tổ chức lại hoạt động chợ truyền thống, trong đó có một số đơn vị đã gửi phương án về Sở.
Bà Ngọc cho biết thêm, thời gian cụ thể mở cửa trở lại chợ truyền thống phụ thuộc vào dự thảo chỉ thị của UBND TP.HCM về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội, dự kiến sẽ được công bố trước ngày 1/10.
Tổ công tác đặc biệt phía nam của Bộ Công Thương cho hay một số quận, huyện, chợ đầu mối, chợ truyền thống tại TP.HCM cho biết đã sẵn sàng phương án mở cửa trở lại sau thời gian dài bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với lộ trình từng bước. Mục tiêu đến cuối năm, các chợ đầu mối có thể phục hồi 100% công suất hoạt động.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Công văn hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở cửa trở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối. Cơ quan này cho rằng, việc mở lại chợ truyền thống là động thái quan trọng để từng bước ổn định đời sống xã hội, mở cửa lại nền kinh tế bởi kênh phân phối truyền thống với vai trò chủ lực của chợ đầu mối, chợ truyền thống đang chiếm gần 80% tổng lượng luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường.
Theo Sở Công Thương TPHCM doanh thu nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm trong tháng 9 ước đạt 5.864 tỷ đồng, giảm 0,6% so với tháng trước (tháng 8 ước giảm 7,95% so với tháng 7/2021). Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu đến tay người dân, TP.HCM đã đưa các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm vào hoạt động.
Hiện các địa bàn vùng xanh đã tổ chức cho người dân đi chợ 1 lần/tuần theo đúng kế hoạch. Cụ thể, Quận 7 đã tổ chức cho người dân đi mua sắm hàng hóa thiết yếu thông qua kênh phân phối tại 9 siêu thị, 154 cửa hàng tiện ích đang hoạt động.
Huyện Củ Chi có 14/14 xã vùng xanh tổ chức cho người dân đi mua hàng tại các điểm cung ứng đang hoạt động gồm 1 siêu thị, 1 trung tâm thương mại, 60 cửa hàng tiện ích, 1 cửa hàng bình ổn, 6 chợ truyền thống, 81 sạp bán hàng dã chiến và 2 điểm liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
Huyện Cần Giờ đã triển khai 13.468 phiếu đi chợ, cho hộ dân đi chợ 1 tuần/lần tại 8 chợ.
Với nhiều hình thức, phương thức bổ trợ trong cung ứng hàng hóa (tăng điểm bán, kéo dài thời gian hoạt động, cho phép thêm loại hình cung ứng thực phẩm, tổ chức lực lượng shipper, tổ chức đặt hàng trực tuyến thông qua các ứng dụng...), người dân đã chủ động chuyển sang đặt hàng trực tuyến và giao nhận hàng qua shipper, đi chợ trực tiếp tại các điểm bán hàng dã chiến (như mô hình tại Quận 5) hoặc tại các địa bàn được phép hoạt động bán trực tiếp cho người dân. Do đó, nhu cầu đặt hàng và lượng hàng hóa cung ứng thông qua mô hình “đi chợ hộ” đang có xu hướng giảm dần.
Theo lộ trình kế hoạch mở cửa trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch của thành phố (nhất là từ sau ngày 1/10), nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa sẽ được tạo điều kiện thông thoáng hơn, nhu cầu “đi chợ hộ” sẽ tiếp tục giảm, khả năng sẽ gây áp lực cục bộ lên các chợ đầu mối và hệ thống phân phối hiện đại. Do vậy cần nhanh chóng mở lại chợ truyền thống để có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết sẽ xây dựng mô hình hoạt động mang tính bền vững hơn trong thời gian tới, nhất là đối với chuỗi sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí, hóa dược, chế biến thực phẩm và sản xuất hàng điện tử) và 2 ngành công nghiệp truyền thống (dệt may, da giày), chuỗi liên kết cung ứng nông sản thực phẩm qua 3 chợ đầu mối tại thành phố nhằm thích ứng với bối cảnh dịch bệnh và chuyển đổi số nền kinh tế.
Trên cơ sở tiếp tục rà soát nhu cầu vaccine của doanh nghiệp, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức phối hợp Sở Y tế, UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine cho người lao động tại doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tùy theo diễn biến dịch bệnh, Sở Công Thương TP.HCM sẽ chủ động tham mưu UBND TP.HCM triển khai các một số sự kiện, chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.