TP. HCM: thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước

Việt Báo (Tổng hợp)| 01/03/2024 19:29

Thị trường thương mại điện tử TP. HCM năm 2023 có doanh thu đạt 4,7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 37%, cao nhất cả nước.

san-thuong-mai-dien-tu-la-gi.jpg

Đánh giá về doanh thu thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến - livestream trong đợt mua sắm cuối năm vừa qua, Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP. HCM Nguyễn Minh Hùng cho biết, năm 2023, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Riêng TP. HCM đạt 4,7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 37%, cao nhất cả nước.

Bên cạnh đó, hoạt động mua sắm kết hợp giải trí trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok (livestream mua sắm trực tuyến)… cũng có sự phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng khá đồng đều. Trong đó, nổi bật là sự tăng trưởng của nền tảng TikTok shop. Dù mới xuất hiện từ giữa năm 2022, TikTok shop hiện đã chiếm gần 10% tổng doanh số thương mại điện tử

Bên cạnh các điểm sáng thành tựu đáng vui mừng, thị trường thương mại điện tử vẫn đang tồn tại và đối mặt với một số vấn đề thách thức đến sự phát triển bền vững, lành mạnh của ngành, về đảm bảo tính công bằng, lợi ích phát triển chung của toàn bộ cộng đồng, xã hội và công tác quản lý nhà nước.

Năm 2024, Sở Công Thương TP. HCM phối hợp với các sở, ngành xây dựng Kế hoạch phát triển thị trường thương mại điện tử với 27 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chia 2 nhóm, cụ thể:

Nhóm Giải pháp thúc đẩy, Sở Công Thương TP. HCM nhận định, chợ truyền thống hoàn toàn có thể thích ứng, chuyển đổi phương thức bán hàng, kết hợp online và offline, phát huy lợi thế của chợ truyền thống, đó là: văn hoá, nguồn hàng, người bán hiểu rõ sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm, kho hàng… Qua đó, thay đổi hoạt động bán hàng truyền thống, định hướng thúc đẩy, đưa các hoạt động thương mại điện tử vào chợ truyền thống (livestream bán hàng)…

Đối với nhóm Giải pháp quản lý, dữ liệu thương mại điện tử hiện còn tương đối tổng quan, chưa chi tiết; cơ quan thuế, QLTT gặp nhiều khó khăn để xác định nguồn hàng, doanh thu, nhà bán…

z5204200771385_4a329ef49187182e7ab26d9f2f1b4af8.jpg

Do đó, Sở Công Thương TP. HCM đang xây dựng công cụ thu thập hệ thống dữ liệu giao dịch thương mại điện tử: dữ liệu kho hàng, dữ liệu nhà bán, dữ liệu giao dịch, doanh thu… Từ đó điều hướng, hỗ trợ cơ quan thuế, quản lý thị trường thực hiện chức năng quản lý có trọng điểm, trọng tâm.

Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vừa công bố cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020, và 16,4 tỷ USD năm 2022. Đến năm 2023, con số này đã đạt 20,5 tỷ USD, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8 - 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tính đến tháng 12/2023 theo Statista, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Cũng theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce), có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt 650 ngàn tỷ đồng vào năm 2024. Trong đó, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam có thể đạt hơn 310 ngàn tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM: thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO