PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đã chia sẻ một thông tin tích cực với các doanh nghiệp, là phiên họp ngày 24/9 với sự tham gia của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, đã đề cập việc từ nay đến ngày 30/9, TP.HCM tháo gỡ ngay các chốt chặn để từ ngày 1/10 sẽ có hướng mới.
Riêng các cửa ngõ ra vào TP.HCM vẫn còn chốt chặn để bảo vệ an toàn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Quan điểm của TPHCM đưa ra hiện nay là sống thích nghi với COVID-19, và những bước đi tới đây phải linh hoạt, mềm dẻo, an toàn.
Về kế hoạch sắp tới của TP.HCM, Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, quan điểm TP.HCM sẽ kiểm soát điểm đi và điểm đến, không kiểm soát trên đường. Vì vậy, các rào chắn cứng sẽ bỏ, TP.HCM chuyển sang kiểm tra ngẫu nhiên, xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên.
Đơn cử, TP.HCM sẽ xử lý khi kiểm tra ngẫu nhiên và nếu phát hiện vi phạm của cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp không theo tiêu chí về bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19 thì xử phạt. Tinh thần là giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Chu Tiến Dũng nêu nhiều khó khăn của doanh nghiệp, trong đó đáng chú ý là chi phí xét nghiệm. Ông Dũng nhấn mạnh TP.HCM cần xem xét lại vấn đề này, vì nếu không "xét nghiệm thành tảng đá đè chết doanh nghiệp". Theo ông, việc xét nghiệm COVID-19 định kỳ 3 ngày, 7 ngày với toàn bộ người lao động tạo ra gánh nặng chi phí quá lớn. Chủ tịch HUBA nhấn mạnh xét nghiệm cần có trọng tâm, đúng đối tượng, thay vì làm đồng loạt khiến doanh nghiệp không chịu nổi.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans kiêm Phó chủ tịch Hội May thêu đan TP.HCM, cũng mong muốn TPHCM sớm ban hành hướng dẫn xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm do doanh nghiệp tự thực hiện.
Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp và người dân sớm phục hồi là cần thiết nhưng gói hỗ trợ cần nhất là nhu cầu được học tập, đi lại, làm việc, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, an toàn. Điều quan trọng nhất doanh nghiệp mong muốn là quan điểm xuyên suốt, nhất quán, chứ không thể đóng mở liên tục, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân cho biết thêm.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, thành phố dự kiến công bố kế hoạch tổ chức hoạt động kinh tế xã hội sau ngày 1/10 chậm nhất vào 27/9 tới, đảm bảo ít nhất trước 72 giờ.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cà phê NAPOLI Nguyễn Đức Hưng đề xuất nên tạo điều kiện cho những ai đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được phép đi lại để sản xuất kinh doanh khi TP.HCM mở cửa trở lại, đồng thời tạo sự thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nguyên liệu trong nội thành lẫn liên tỉnh.
Tại chương trình, Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng cho biết, các doanh nghiệp đang rất trông chờ được nắm bắt chính xác kịch bản về lộ trình khôi phục kinh tế của TP.HCM để chuẩn bị tâm thế, điều kiện để tham gia tích cực ngay từ đầu.