TP.HCM sẽ đột phá trong xác định giá đất, tính bồi thường

29/06/2023 09:32

Trong Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua, lĩnh vực quản lý đất đai của Thành phố sẽ có 5 điểm mới.

Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP.HCM, thay thế cho Nghị quyết 54/2017. Nghị quyết vừa thông qua đưa ra các chính sách mới, lần đầu được áp dụng đối với các lĩnh vực như đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy.

Theo đánh giá, Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP.HCM sẽ tạo khuôn khổ pháp lý toàn diện hơn, giúp TP.HCM có cơ sở thực hiện những sáng kiến trong từng lĩnh vực, mang đến kết quả đột phá.

Để làm rõ những cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực quản lý đất đai, Báo VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng (Ảnh: Anh Phương)

- Đâu là những nội dung mang tính đột phá trong lĩnh vực quản lý đất đai của nghị quyết mới? 

Ông Nguyễn Toàn Thắng: Cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, xác định việc tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.

Sở TN&MT đã kiến nghị UBND Thành phố các giải pháp về đất đai trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, gồm 8 cơ chế chính sách về đất đai và 1 cơ chế chính sách về môi trường.

Đây là những nội dung quan trọng và mang tính đột phá nhằm tạo cơ chế và nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Hơn nữa, những nội dung thí điểm là những điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến, Bộ TN&MT, cơ quan chủ trì soạn thảo, cũng ủng hộ TP.HCM trong việc thí điểm này.

- Cụ thể, những cơ chế, chính sách đó là gì, thưa ông?

Thứ nhất, cho phép HĐND TP.HCM được thông qua ban hành hệ số điều chỉnh giá đất đối với những trường hợp Nhà nước đã cho thuê đất mà trả tiền thuê đất hằng năm. Cơ chế chính sách này sẽ rút ngắn được thời gian xác định giá đất.

Thứ hai, cho phép một số trường hợp thu hồi đất mà hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu thì được bồi thường bằng tiền hoặc đất khác theo quy định. Điều này sẽ tạo cơ chế hoán đổi đất trong công tác bồi thường.

Thứ ba, cho phép tổ chức kinh tế thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm được phép chuyển nhượng, mua bán, thế chấp theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 20/6/2022. Thương mại hóa quyền thuê đất đóng tiền hàng năm của các tổ chức, cá nhân trong việc chuyển nhượng, thế chấp…

Thứ tư, chủ đầu tư mua tài sản phát mãi là quyền sử dụng đất nông nghiệp từ các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng, tòa án, thi hành án, thừa phát lại để thực hiện dự án phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, nếu chưa thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất mà đã hết thời hạn sử dụng đất hoặc chủ đầu tư các dự án đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án phi nông nghiệp đang thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất mà đã hết thời hạn sử dụng đất thì được gia hạn sử dụng đất đến hết 30/6/2024. Chính sách này sẽ giải quyết các trường hợp không gia hạn được quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Thứ năm, cho phép TP.HCM đẩy nhanh tiến độ hơn nữa bằng cách cho thực hiện đo đạc, khảo sát các diện tích đất song song đồng thời trước khi có thông báo thu hồi đất. Rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ bồi thường nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn.

Thương mại hoá quyền sử dụng đất 

- Ông có thể phân tích rõ các tác động của những chính sách này như thế nào? 

Việc cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm những chính sách trên sẽ giúp tăng được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước nói chung và ngân sách TP.HCM nói riêng.

Đây là giải pháp mang tính đột phá vì việc thí điểm sẽ giúp áp dụng các điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào thực tiễn cuộc sống, từ đó sẽ cụ thể hóa vào luật khi thực tiễn đã áp dụng.

Những lĩnh vực cần thí điểm để tạo xung lực mới cho quá trình xây dựng và phát triển TP.HCM.

TP.HCM kỳ vọng lĩnh vực quản lý đất đai có nhiều đột phá khi những cơ chế đặc thù được áp dụng. (Ảnh: Anh Phương)

- Nghị quyết mới sẽ giúp tháo gỡ các vướng mắc gì trong lĩnh vực Sở TN&MT quản lý ?

Đầu tiên đó là lĩnh vực đất đai. Nghị quyết số 18-NQ/TW yêu cầu: “Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản. Có cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai”.

Việc tháo gỡ trước mắt các khó khăn, vướng mắc mà các văn bản dưới luật không thể điều chỉnh được, nên Quốc hội thông qua nghị quyết này cũng là kỳ vọng cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong lĩnh vực quản lý đất đai.

- Đơn vị đã có sự chuẩn bị như thế nào để thực hiện nghị quyết mới?

Sở TN&MT đã chủ động giao cho các phòng ban đơn vị trực thuộc rà soát các trình tự thủ tục để đề xuất sửa đổi bổ sung (nếu có) khi triển khai thực hiện các nội dung nghị quyết mới được ban hành.

Việc trình HĐND TP.HCM thông qua các nghị quyết để thực hiện nghị quyết mới đòi hỏi Ban Giám đốc Sở TN&MT và các phòng ban chuyên môn phải nỗ lực và phải chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực thi.

TP.HCM đã chuẩn bị gì để triển khai nghị quyết mới? 

Thông tin về nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Thành phố đã có sự chuẩn bị kỹ càng về công tác triển khai nghị quyết khi Quốc hội thông qua.

Cụ thể, công tác triển khai nghị quyết mới sẽ được thực hiện chặt chẽ, bài bản và có kế hoạch. Ngoài ra, sẽ triển khai công tác theo dõi, giám sát xuyên suốt quá trình thực hiện, báo cáo kịp thời các vướng mắc phát sinh để tháo gỡ.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, Chính phủ có trách nhiệm ban hành các nghị định để cụ thể hoá việc thực hiện nghị quyết mới, chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với UBND TP.HCM cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho Thành phố.

Đồng thời, Chính phủ sẽ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp, giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển TP.HCM. So với các quy định hiện hành, cần mở rộng việc phân cấp, uỷ quyền cho HĐND và UBND Thành phố.

Về trách nhiệm của địa phương, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, HĐND và UBND Thành phố sẽ ban hành trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại nghị quyết mới.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tp-hcm-se-dot-pha-trong-xac-dinh-gia-dat-tinh-boi-thuong-2159212.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/tp-hcm-se-dot-pha-trong-xac-dinh-gia-dat-tinh-boi-thuong-2159212.html
Bài liên quan
  • Mang cơm hộp, bánh mì 'tiếp tế' đấu giá đất huyện vùng ven Hà Nội
    Phiên đấu giá 20 thửa đất tại khu đấu giá Lòng Khúc (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) diễn ra xuyên trưa, những người tham gia đấu giá được người thân túc trực vòng ngoài “tiếp tế” cơm hộp, bánh mì, nước uống… tranh thủ khoảng thời gian giải lao ăn tạm để có sức đấu giá.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM sẽ đột phá trong xác định giá đất, tính bồi thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO