Đây là kết luận được ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT đưa ra tại Hội thảo về thúc đẩy kinh tế số TP.HCM phát triển bền vững, được tổ chức ngày 7/9/2023.
Sẵn sàng thí điểm những chính sách mới về kinh tế số
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, kinh tế số là một lĩnh vực rất mới nên việc TP.HCM tổ chức hội thảo là để tìm giải pháp về chính sách, hoạt động thực tiễn, công nghệ… nhằm thúc đẩy kinh tế số phát triển một cách nhanh, bền vững. Làm sao để kinh tế số lan toả, chính sách của Nhà nước đi vào thực tiễn.
Đồng thời ông khẳng định, TP.HCM sẵn sàng thí điểm những chính sách mới của ngành TT&TT hoặc lĩnh vực kinh tế số ngay trên địa bàn trong thời gian tới. Sở TT&TT sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp, từ đó đề xuất lãnh đạo Thành phố có những chính sách thử nghiệm về lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ không bó hẹp trong vài doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp chuyên trách để thực hiện kinh tế số, mà ở đây càng nhiều doanh nghiệp tham gia càng tốt.
“Nếu các doanh nghiệp có giải pháp, ý tưởng, sáng kiến, Sở TT&TT sẵn sàng kết nối để phát triển sự nghiệp chung của Thành phố. Việc của chúng ta bây giờ là bắt tay nhau và làm sao để mang lại hiệu quả chung cho từng doanh nghiệp, cho Thành phố”, ông Lâm Đình Thắng nhấn mạnh
Cần đào tạo nguồn nhân lực để phát triển kinh tế số
Trao đổi tại Hội thảo, PGS.TS Trần Hùng Sơn, trường Đại học Kinh tế - Luật (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, hiện có khoảng 20% trong tổng việc làm tại khu vực dịch vụ của TP.HCM tham gia các loại hình dịch vụ quan trọng đòi hỏi kỹ năng cao, thuộc nhóm các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đây là một thuận lợi trong việc phát triển kinh tế số thông qua việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế số.
Do đó, TP. HCM cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, kinh tế số. Cụ thể, Thành phố cần quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và đặt hàng các cơ sở đào tạo nhân lực số cho các ngành nghề ưu tiên phát triển kinh tế số.
Ngoài ra, theo ông Trần Hùng Sơn, có khoảng 18% tổng việc làm trong các doanh nghiệp ngành dịch vụ trọng yếu có thể tham gia thương mại. Do vậy, trọng tâm đào tạo cần đổi mới theo phương hướng tăng cường kỹ năng của người lao động (đặc biệt là các kỹ năng số) và năng lực của doanh nghiệp cũng như cán bộ quản lý.
Tuy nhiên, đại diện đến từ trường Đại học Kinh tế - Luật cũng băn khoăn, khi đặt ra một số câu hỏi về quản lý cần được TP.HCM nghiên cứu tìm câu trả lời đó là chính sách nào để thúc đẩy đào tạo nhân lực số cho các ngành nghề ưu tiên phát triển kinh tế số; Làm thế nào để khuyến khích sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động để tăng cường đào tạo nhân lực số, kỹ năng số cho người lao động; Cơ quan nào sẽ thúc đẩy chương trình hợp tác này và nguồn lực triển khai đào tạo lấy từ đâu?
Theo ông Alex Phan, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nền kinh tế số đang rất mới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới nên có tính rủi ro, không bền vững. Kinh tế số TP.HCM đang có 2 điểm nghẽn là nguồn lực con người và tài chính. Do đó, ông cho rằng, chính sách phát triển kinh tế số phải nhìn nhận trên góc độ thị trường, trên cơ sở kinh tế số là nền kinh tế rất mới, rất nhiều rủi ro để tiếp cận một cách mềm mại hơn.
Để giải quyết những điểm nghẽn này, đại diện đến từ Hiệp hội Blockchain đề xuất TP.HCM cần có chính sách thu hút thêm nhiều nhân tài, nhân lực trẻ trong lĩnh vực công nghệ. Cũng như cần có nguồn quỹ để tài trợ cho các startup lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, cho rằng kinh tế số tại TP.HCM dù mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự phát triển nhưng cũng đã đạt nhiều kết quả nổi trội, đặc biệt là các lĩnh vực như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, du lịch trực tuyến… Thành phố đã có những bước đi khá vững vàng về chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số thành công là nhờ sự chung tay đóng góp, hiến kế rất lớn từ đội ngũ chuyên gia, trường viện, công đồng doanh nghiệp, hiệp hội.
Theo ông Phạm Bình An, để phát triển kinh tế số, TP.HCM cần tập trung nhóm chính sách về phát triển hạ tầng số, ứng dụng các nền tảng số; Phát triển và khai thác dữ liệu; Phát triển hạ tầng thiết yếu. Cần đưa kinh tế số vào các chương trình kích cầu và cần phải có nguồn nhân lực nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Thành phố cần phát triển nguồn nhân lực số thông qua việc tập trung đào tạo tổ chức các nhóm tập huấn, tư vấn chuyên nghiệp… và phải phát triển ở tất cả ở các ngành.