TP.HCM quyết tâm tận dụng 15 ngày cách xã hội để kiểm soát dịch

Phương Linh| 08/07/2021 16:07

Theo đại diện HCDC, số ca F0 trong 10 ngày qua tại TP liên tục tăng, vì vậy ngành Y tế sẽ tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội để kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ ngày 27/4 đến 12h ngày 8/7, TP có 8.585 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Đặc biệt, trong 10 ngày gần đây, số ca F0 tại TP trung bình từ 500-600 ca.

Do tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, 0h tối nay, TP sẽ cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày.

“Số ca bệnh trong cộng đồng tăng hàng ngày, nhất là các trường hợp có triệu chứng đi khám các cơ sở y tế. Điều này cho thấy, tác nhân gây bệnh đã có ở khắp nơi. TP cần tận dụng 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 để kiểm soát dịch bệnh bằng cách giải pháp quyết liệt hơn”, đại diện HCDC nhận định.

ftre.jpg
Người dân TP.HCM đang xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm nCoV. Ảnh: HCDC.

Tận dụng ưu điểm của xét nghiệm nhanh kháng nguyên

Theo HCDC, điều tra, truy vết khoanh vùng dập dịch vẫn là mũi tấn công quan trọng để cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Hoạt động này đã được tổ chức lại và tăng cường nhân sự phụ trách điều tra, truy vết tại các quận, huyện. Thực hiện điều tra nhanh các mốc dịch tễ của F0, nhanh chóng lập danh sách, truy vết các F1, chuyển cách ly tập trung F1 thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh và mẫu đơn RT-PCR. "Xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ cho kết quả trong 30 phút, từ đó sẽ có những quyết định can thiệp nhanh không cần chờ kết quả xét nghiệm PCR như trước đây", đại diện HCDC chia sẻ.

Ở khu vực phong tỏa, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ được triển khai bên cạnh xét nghiệm RT-PCR. Xét nghiệm này sẽ giúp tìm ra nhanh các ca F0 và xử trí nhanh không cần chờ kết quả RT-PCR. Điều này sẽ giúp khoanh vùng những trường hợp dương tính một cách nhanh chóng, hạn chế tiếp tục lây nhiễm cho những người xung quanh.

Xét nghiệm tầm soát có trọng tâm

Theo đại diện HCDC, qua thông tin điều tra, truy vết, TP lập bản đồ dịch tễ các ổ dịch, phân loại các vùng nguy cơ tại các quận, huyện từ đó đề xuất địa phương lên phương án tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí. Việc tổ chức sẽ có sự cân đối số lượng xét nghiệm để phù hợp với tổng công xuất, đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác.

vfvt.jpg
Nhân viên Y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân TP. Ảnh: HCDC.

Đối với các trường hợp F1, khu cách ly, phong tỏa sẽ được ưu tiên trả kết quả xét nghiệm sớm, nhằm phục vụ cho công tác khoanh vùng, dập dịch, đánh giá nguy cơ.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nay TP có khả năng lấy 1,3 triệu mẫu/ngày. Công suất xét nghiệm là 400.000 mẫu/ngày. TP cũng đang phối hợp với doanh nghiệp để tăng cường thêm năng suất xét nghiệm với mục tiêu 1 triệu mẫu/ngày trong thời gian sắp tới. Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cần rút kinh nghiệm khâu tổ chức để đảm bảo việc giãn cách khi thực hiện trong thời gian tới.

Theo kế hoạch triển khai xét nghiệm kháng nguyên nhanh trên địa bàn TP, yêu cầu thực hiện khoảng 200.000 xét nghiệm/ngày. Tuy nhiên, phương châm đặt ra là, tận dụng ưu điểm của xét nghiệm nhanh nhưng không được lạm dụng. Các quận huyện cần căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh ở địa phương để sử dụng cho phù hợp.

HCDC cũng đã triển khai tập huấn truy trình triển khai xét nghiệm kháng nguyên nhanh ở các khu công nghiệp do các doanh nghiệp tự chi trả.

bv-da-chien-2-1624842854717862638965.jpeg
Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 bắt đầu hoạt đồng từ ngày 28/6. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM.

Nâng cao khả năng cách ly lên 30.000 giường, khả năng điều trị 20.000 giường

HCDC cho biết, TP đã mở rộng khu cách ly tập trung thành phố với năng lực cách ly là 30.000 giường. Tổ chức hoạt động khu cách ly theo quy định để hạn chế lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.

Ngành y tế TP đề xuất cách ly tập trung F1 trong vòng 14 ngày và theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày tiếp theo. Thí điểm cách ly F1 tại nhà theo tiêu chí của Bộ Y tế và điều kiện thực tiễn nhưng phải đảm bảo việc tự cách ly này là an toàn không làm lây lan tiếp tục mầm bệnh ra cộng đồng.

Sở Thông tin – Truyền thông cũng đã đề xuất các giải pháp bằng công nghệ thông tin để quản lý người thực hiện cách ly tại nhà.

Sở Y tế đang triển khai kế hoạch điều trị 15.000 ca bệnh, theo đó phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng: cấp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, cấp có triệu chứng và cấp điều trị bệnh nhân nặng.

Bên cạnh đó, TP cũng đã lên kế hoạch điều trị 20.000 giường. Tiếp nhận và điều phối 500 bác sĩ (có 80 bác sĩ chuyên về hồi sức) và 1.500 điều dưỡng (có 240 điều dưỡng chuyên về hồi sức), kỹ thuật viên từ các bệnh viện trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn thành phố để hỗ trợ công tác điều trị.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM quyết tâm tận dụng 15 ngày cách xã hội để kiểm soát dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO