TP.HCM: quản lý thị trường sẽ tăng cường giám sát tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa

TRUNG NGUYỄN (Tổng hợp)| 21/08/2021 19:19

Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM sẽ tăng cường giám sát tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa sau khi nhiều người dân đã đổ dồn về các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống... để mua gom thực phẩm những ngày qua khiến nhiều nơi rơi vào tình trạng quá tải.

Sau khi có thông tin T.PHCM sẽ siết chặt thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 23/8/2021, từ rất nhiều người dân đổ xô xếp hàng dài bên ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Do các siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ cho người vào số lượng hạn chế nên người dân phải chờ vài giờ tới lượt mua sắm.

Quản lý thị trường TPHCM sẽ tăng cường giám sát tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa. Ảnh: QL

Bên trong các siêu thị, người dân cũng tranh thủ mua hàng với số lượng lớn để có thể dự trữ dùng trong nhiều ngày khiến nhiều siêu thị không kịp đưa hàng lên kệ, nhiều kệ thịt, cá, rau, củ, quả, trứng, mì ăn liền bị hết, thiếu hàng.

Tại siêu thị Emart Gò Vấp, từ sáng sớm hàng trăm người xếp hàng để vào siêu thị, nhiều loại thực phẩm tươi sống liên tục được bổ sung nhưng vẫn xảy ra tình trạng không bổ sung kịp thời khi sức mua sắm quá lớn tại thời điểm nhất định. Đến hơn 12 giờ, dù trời nắng khá gắt nhưng tại các siêu thị lớn như Co.opmart, Co.opXtra, MM Mega Market và các cửa hàng tiện lợi như Co.op Food, Satra Foods, Vinmart+, Bách Hóa Xanh... vẫn còn khá nhiều người kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt vào mua hàng. Các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi đã tăng đặt hàng rau, củ, quả, trứng, thịt, cá để phục vụ cho người dân nhưng nguồn cung ứng hạn chế, khó tăng mạnh do nhà cung cấp cũng gặp khó khăn về nhân lực.

Theo thông tin từ các siêu thị, từ ngày 20/8 đến trưa ngày 21/8, lượng khách đến mua sắm đã tăng gấp 3/4 lần so với những ngày trước. Để bảo đảm đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu gia tăng bất ngờ, các siêu thị đã nhanh chóng điều phối, bổ sung các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô lên các quầy kệ; đồng thời tăng lượng rau củ, quả lên gấp 3/4 lần. Tuy nhiên các siêu thị luôn đảm bảo dự trữ hàng hóa chuẩn bị nhu cầu người dân thành phố trong thời gian tới.

Hệ thống MM Mega Market hàng tươi đông lạnh tồn kho dự trữ 20 ngày, đặt hàng dự trữ 20 ngày, tổng dự trữ 40 ngày; hàng thực phẩm khô tồn kho dự trữ 30 ngày, đặt hàng dự trữ 30 ngày, tổng cộng là 60 ngày. Hệ thống SatraFood dự trữ hàng thiết yếu đủ phục vụ 30 ngày. Nhiều hệ thống siêu thị khác cũng tăng lượng hàng thực phẩm dự trữ. Đối với hàng rau, củ, quả, thịt, cá tươi luôn có nguồn hàng về từng ngày, các siêu thị cũng tăng đặt hàng so với những ngày trước đó. Tuy nhiên các nhà cung cấp đang gặp khó khăn về nhân sự và đứt gãy chuỗi cung ứng nên khả năng tăng nguồn hàng bị hạn chế.

Từ chiều ngày 20/8/2021 sau khi có tin đồn trên mạng về việc TPHCM bị phong tỏa, ngoài siêu thị đã có nhiều người đến các cửa hàng tiện lợi mua rau, củ, quả, mì ăn liền, bún khô, miến, nui, gạo, trứng, thịt, cá. Đến gần cuối giờ chiều, nhiều cửa hàng thuộc hệ thống Bách Hóa Xanh không còn nhiều loại rau, củ, quả. Theo thông tin từ Bách Hóa Xanh, lượng tiêu thụ thực phẩm tươi sống tại hệ thống tăng hơn 30% so với ngày trước đó.

Các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi cho biết đã tăng đặt hàng rau, củ, quả, trứng, thịt, cá để phục vụ cho người dân nhưng nguồn cung ứng hạn chế, khó tăng mạnh do nhà cung cấp cũng gặp khó khăn về nhân lực. Tại các cửa hàng tạp hóa bên ngoài người dân cũng tập trung mua mì ăn liền, bún khô, miến, nui, gạo, trứng, nhiều cửa hàng hết mì ăn liền, trứng. Tuy sức mua tăng rất cao, nhiều nơi thiếu hàng nhưng giá hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn giữ như những ngày trước, Cục quản lý thị trường TP.HCM cho hay.

Cục quản lý thị trường TP.HCM cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp dẫn đến kinh tế, xã hội, cung cầu hàng hóa chưa thật sự ổn định. Lực lượng quản lý thị trường sẽ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, các Sở, Ban ngành, UBND thành phố Thủ Đức và quận, huyện trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại.

Bên cạnh đó tham gia các Đoàn liên ngành của thành phố, quận, huyện để kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện đồng bộ công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, góp phần ổn định thị trường, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong đầu tư sản xuất và kinh doanh.

Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM cũng sẽ thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Từ đầu năm 2021 đến nay Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra 1.684 vụ, giảm 411 vụ (giảm 19,6%) so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền thu nộp ngân sách: 30.203.607.000 đồng (tăng 9,11% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá hàng hóa tiêu hủy: 24.064.646.000 đồng, tăng 30,53% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 81 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 18,7 tỷ đồng. Chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự là: 15 vụ (3 vụ hàng cấm, 6 vụ hàng giả, 6 vụ hàng lậu) trị giá 5.409.738.000 đồng, số vụ đang xem xét là 15 vụ.

Theo Tự sản xuất
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: quản lý thị trường sẽ tăng cường giám sát tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO