TP.HCM quản lý chất thải rắn: Đáp ứng định hướng phát triển kinh tế - xã hội

Nguyễn Quỳnh| 31/03/2022 09:01

Mỗi ngày, TP.HCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), tỷ lệ tăng khối lượng hằng năm khoảng 6 - 10%; khối lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người của thành phố khoảng 0,98kg/người/ngày. Hiện nay, TP.HCM đã hoàn thiện Dự thảo quy hoạch xử lý chất thải rắn (CTR) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều mục tiêu và giải pháp cụ thể trong việc nâng tầm công tác quản lý về CTR.

100% chất thải rắn được xử lý an toàn

Theo Sở TN&MT TP.HCM, Đồ án quy hoạch xử lý CTR thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được xây dựng đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành. Theo Kế hoạch đề ra, 100% tổng lượng CTRSH được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó tối thiểu 80% tổng lượng CTRSH được thu hồi, tái chế làm phân compost và đốt thu hồi năng lượng.

Bên cạnh đó, 100% CTR công nghiệp nguy hại và không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường; 90% tổng lượng CTR xây dựng phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó 60% được thu hồi tái sử dụng hoặc tái chế; 100% số khu xử lý CTR đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh…

Đồng thời, 60% bùn bể phốt (bùn hầm cầu), bùn thải của hệ thống cấp nước và thoát nước, bùn phát sinh từ các hệ thống xử lý nước thải sản xuất, bùn nạo vét kênh rạch được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường vào năm 2023; tăng dần vào các năm tiếp theo và tiến tới đạt chỉ tiêu 100% vào năm 2025.

a1.-tp-dat-muc-tieu.jpg

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 có 80% người dân tham gia phân loại rác tại nguồn.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, TP.HCM sẽ tổ chức thực hiện đồng bộ các dự án đầu tư phân loại, thu gom, vận chuyển, trung chuyển với các dự án đầu tư xây dựng các khu, nhà máy tái chế, xử lý CTR theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời, thúc đẩy xã hội hóa công tác quản lý CTR bằng các giải pháp nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý; xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành dự án xử lý CTR sau khi xây dựng xong đảm bảo hiệu quả, ổn định và bền vững của dự án xử lý chất thải.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Nội dung của Dự thảo Đồ án quy hoạch xử lý CTR TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã đáp ứng được định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đã được Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố xem xét thông qua để trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn

Theo các chuyên gia, việc tăng nhanh chóng CTRSH đô thị với tính chất, thành phần đa dạng phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý. Trong khi đó, hiện nay, TP.HCM chưa tổ chức được mạng lưới thu gom chất thải tái chế, vì vậy có hơn 80% khối lượng chất thải tái chế đang chôn lấp cùng với CTRSH gây lãng phí tài nguyên, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường. Một phần lượng rác tái chế này được lực lượng ve chai thu gom, mua bán, trao đổi mang tính nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường và không đáp ứng được các mô hình tái chế lớn.

Vì vậy, việc đẩy nhanh phân loại CTRSH tại nguồn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong công tác quản lý chất thải rắn tại TP.HCM. Tại Dự thảo Đồ án quy hoạch xử lý CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM phấn đấu 60% hộ gia đình thực hiện phân loại CTR tại nguồn vào năm 2023, tăng dần vào các năm tiếp theo và tiến tới đạt chỉ tiêu 80% vào năm 2025.

Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM cho rằng: Việc tổ chức phân loại CTRSH tại nguồn và thu gom chất thải tái chế không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý CTR, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Để nâng cao hiệu quả công tác phân loại rác tại nguồn, từ tháng 5/2021, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định sửa đổi quy định về phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố từ 3 loại rác thành 2 loại rác. Theo quy định trước đây, người dân phải phân loại thành 3 nhóm: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy, nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Tuy nhiên, hiện nay, người dân chỉ cần phân loại rác thành 2 nhóm chất thải: nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

Dự kiến, tổng vốn đầu tư thực hiện công tác xử lý CTR của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 là 28.911 tỷ đồng, sử dụng các nguồn vốn: vốn ngân sách Nhà nước; vốn ODA, tài trợ nước ngoài; vốn tín dụng đầu tư; vốn từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước; vốn huy động từ các thành phần kinh tế khác.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, việc thay đổi cách phân loại rác tại nguồn thành 2 loại rất thuận tiện cho cả người dân và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác, nhận được sự đồng tình cao của người dân bởi nó dễ thực hiện và đem lại nhiều tiện ích.

Bà Nguyễn Thị Hòa (ngụ tại phường 9, quận 3) cho biết: “Trước đây khi tham gia phân loại rác tại nguồn theo lời kêu gọi của thành phố, gia đình tôi phải đặt 3 thùng rác trong nhà, vừa tốn diện tích, gây bất tiện trong sinh hoạt và rất phức tạp trong việc “lựa chọn” loại rác bỏ vào các thùng tương ứng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ cần phân loại thành 2 loại rác khác nhau nên rất thuận tiện, chắc chắn chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm việc phân loại rác tại gia đình”.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam cho rằng: Việc TP.HCM tổ chức phân loại CTRSH tại nguồn thành 2 loại rác tái chế và rác còn lại như hiện nay sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thu hồi bao bì đã qua sử dụng, đảm bảo rác đủ điều kiện tái chế không bị đưa ra môi trường.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
https://baotainguyenmoitruong.vn/tp-hcm-quan-ly-chat-thai-ran-dap-ung-dinh-huong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-338279.html
Copy Link
https://baotainguyenmoitruong.vn/tp-hcm-quan-ly-chat-thai-ran-dap-ung-dinh-huong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-338279.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM quản lý chất thải rắn: Đáp ứng định hướng phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO