Tăng các hoạt động thanh toán không tiền mặt
UBND TP.HCM vừa có chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM và các Ngân hàng thương mại trên địa bàn chỉ đạo các Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị sử dụng ngân sách làm thủ tục mở thẻ tín dụng; nghiên cứu, triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng số, đảm bảo an toàn, bảo mật, thuận tiện cho người sử dụng.
Bên cạnh đó đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động như thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), Ví điện tử.
Khuyến khích các Ngân hàng thương mại phối hợp với UBND các huyện ngoại thành tuyên truyền và có chính sách ưu đãi, khuyến khích cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng; hướng dẫn sử dụng phương tiện thanh toán hiện đại, miễn giảm phí sử dụng dịch vụ; có chính sách ưu đãi về dịch vụ thanh toán, phí lắp đặt máy POS và các dịch vụ tiện ích khác.
Kho bạc Nhà nước TPHCM phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan Hải quan, các cơ quan liên quan thông tin đến các tổ chức, người dân thực hiện nộp thuế, phí, lệ phí, nộp phạt vi phạm giao thông, nộp phạt vi phạm hành chính khác qua cổng Dịch vụ công Quốc gia và qua các kênh giao dịch hiện đại của các Ngân hàng thương mại như internet banking, mobile banking, ATM, qua máy POS, qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.
Riêng Sở Công thương TPHCM khuyến khích các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách mở rộng và chấp nhận thanh toán qua máy POS, thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động (Tap to phone), qua phương tiện thanh toán điện tử.
Tiếp tục triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2022
Sở Công Thương TP.HCM cho biết, hết tháng 3/2022, chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM sẽ kết thúc. Đầu tháng 4, thành phố sẽ thực hiện chương trình bình ổn thị trường và điều chỉnh giá cả hàng hóa năm 2022 do Sở Tài chính sẽ tiếp nhận và thực hiện.
Hiện tại, Sở Tài chính đang tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia đăng ký mặt hàng, giá cả. Theo ghi nhận đến ngày 28/3, giá của thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm mà các doanh nghiệp đăng kí có xu hướng tăng so với mặt bằng giá hiện nay. Mức tăng tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp, chủ yếu là thịt gia cầm (tăng từ 6 - 12%) và trứng gia cầm (tăng từ 6 - 8%). Riêng mặt hàng thịt gia súc tăng nhẹ (tăng từ 2 - 3,5%).
Theo Sở Công Thương, khi tham gia chương trình bình ổn giá năm 2022, các doanh nghiệp sẽ được hưởng các quyền lợi cơ bản gồm: được sử dụng logo của chương trình để khai thác trong sản xuất, kinh doanh; được tạo mọi điều kiện thuận lợi tham gia các chương trình hỗ trợ chính thức của TP.HCM (chương trình kích cầu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc doanh nghiệp; chương trình tiếp cận gói tín dụng có mức lãi suất tốt hơn thông thường); được ưu tiên kết nối, đưa hàng hóa đến các hệ thống phân phối với mức chiết khấu tốt; được cung cấp danh sách các mặt bằng trống trên địa bàn TP.HCM để mở điểm bán; các xe tải chở hàng tham gia bình ổn thị trường được ưu tiên lưu thông trong giờ cao điểm;…
Trên cơ sở đăng ký của doanh nghiệp cùng hồ sơ liên quan về chi phí đầu vào, trong hôm nay (29/3), Sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ thống nhất giá mặt hàng trong năm 2022.
Sau khi Sở Tài chính chính thức công bố giá hàng hóa trong chương tình bình ổn thị trường, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các doanh nghiệp tham gia trên địa bàn TP.HCM.