Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM thông tin, hiện nay TP.HCM đã qua đỉnh của đợt dịch thứ 4 và trở về thời kỳ mới. Những biện pháp chống dịch vẫn song song đang được tiếp diễn, ngành y tế TP tiếp tục đang cùng chuyên gia của Bộ Y tế và thế giới có mặt ở TP.HCM tiếp tục theo dõi diễn biến của biến chủng mới Delta plus AY.4.2.
Tại TP.HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đang nghiên cứu, lấy mẫu, giám sát, tầm soát và xem biến chủng mới đã xuất hiện ở Việt Nam hay chưa. Đồng thời, cơ quan này cũng có nghiên cứu về các trường hợp bị bệnh, giải mã gen để xem đặc tính của biến chủng, nhằm có công tác chuẩn bị trước.
Qua thực tiễn của 4 đợt dịch và đặc biệt là đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, TP.HCM đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm. Những thực tiễn này sẽ đưa vào áp dụng nếu có bất kỳ sự cố nào xảy ra.
Đại diện Sở Y tế TP nhấn mạnh, không thể có suy nghĩ là dịch đã ổn và mọi thứ đã trở lại bình thường. Người dân vẫn phải đảm bảo các biện pháp 5K để phòng, chống dịch hiệu quả và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng TP. Sở Y tế mong muốn người dân không được chủ quan, lơ là lúc này.
Hiện nay, TP đã có kế hoạch và chuẩn bị sẵn số lượng vắc xin cho đối tượng là sinh viên, học sinh cũng như công nhân đi từ các tỉnh, thành về sau đợt dịch thứ 4 bị giãn cách chưa vào được TP. Các đối tượng này khi về TP sẽ được tiêm.
Ngoài ra, TP đang tập trung tiêm cho đối tượng học sinh từ 12 – 17 tuổi. Liên quan đến trẻ em từ 3 – 12 tuổi, Sở Y tế đã cùng các phường, xã lập kế hoạch chi tiết đối với những đối tượng này theo đề xuất, có loại vắc xin phù hợp và chờ theo sát hướng dẫn của Bộ Y tế có thể triển khai.
Đối với mũi tiêm thứ 3 cho lực lượng tuyến đầu vào cuối năm nay, ngành Y tế TP cũng đã có đề xuất nhưng tất cả cũng đều cần sự chỉ đạo từ Bộ Y tế.
Tiêm vắc xin cho trẻ em tại TP.HCM (ảnh: Phong Anh) |
Trong khi đó, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GDĐT TP.HCM cho biết, hiện nay có 236 cơ sở chưa bàn giao các trường học sau thời gian phục vụ công tác phòng, chống dịch, trong đó có 31 trường THPT. Dự kiến, thời gian trao trả, bàn giao sẽ tập trung trong tháng 11. Riêng một số cơ sở chưa có thời gian bàn giao cụ thể.
Sở này cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát về cơ sở vật chất sau khi được trưng dụng để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Sở Giáo dục đề nghị TP.Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo, phối hợp cùng các đơn vị liên quan cũng như phía quản lý cơ sở giáo dục xây dựng phương án sửa chữa cơ sở vật chất. Đặc biệt, liên quan đến yếu tố đảm bảo an toàn khi đón các em học sinh đi học trở lại.
Đối với kế hoạch tổ chức đi học trực tiếp của các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM, Sở Giáo dục cùng với ngành Y tế đã giao cho mỗi trường xây dựng các giải pháp an toàn, kế hoạch tổ chức học trực tiếp cho các em học sinh trên địa bàn TP trong thời gian tới.