TP.HCM: chuẩn bị hàng hóa dự trữ Tết, gần 200 chợ truyền thống đã hoạt động lại

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)| 20/12/2021 15:55

Doanh nghiệp bình ổn tại TP.HCM chuẩn bị 19.881 tỷ đồng dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nhâm Dần 2022. Gần 200 chợ truyền thống đã hoạt động ổn định trở lại.

Gần 200 chợ truyền thống ở TP.HCM hoạt động trở lại

Theo ghi nhận của của Bộ Công Thương, tính đến nay đã có 199/233 chợ hoạt động trở lại tại TP.HCM, đạt tỷ lệ 85,4%. Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn.

Gần 200 chợ truyền thống ở TP.HCM hoạt động trở lại. Ảnh: BCT

Những ngày qua, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khi số ca mắc mới tăng theo cấp số nhân. Tuy nhiên tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM vẫn duy trì ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới, Bộ Công Thương cho hay.

Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.028/3.101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng từ 2 - 3 lần so với tháng thường.

Đối với công tác mở lại chợ đầu mối, đến nay đã có 2/3 chợ đầu mối đã hoạt động lại là chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn; riêng tại Chợ đầu mối Thủ Đức vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa.

Cụ thể, chợ đầu mối Bình Điền đã hoạt động lại từ đêm 31/10, đến nay tổng lượng rau củ quả, thủy hải sản ước đạt 1.100 tấn/đêm. Chợ đầu mối Hóc Môn đã hoạt động lại từ 21/10, đến nay tình hình hoạt động của chợ đang dần ổn định, tổng lượng rau củ quả ước đạt 1.500 tấn/đêm. Ở chợ đầu mối Thủ Đức, lượng hàng về điểm tập kết trung bình khoảng 300 tấn/đêm.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022 tại TP.HCM, Hà Nội và tất cả các tỉnh thành trong cả nước; đồng thời bảo đảm phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.

Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cũng sẽ huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm từ 20/12/2021 đến hết 12/3/2022 trên phạm vi cả nước, với mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022, Bộ Công Thương cho biết thêm.

Doanh nghiệp bình ổn chuẩn bị 19.881 tỷ đồng dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nhâm Dần 2022

Sở Công Thương TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 trên địa bàn TP.HCM.

Doanh nghiệp bình ổn chuẩn bị dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nhâm Dần 2022

Theo đó, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị nguồn vốn dự trữ, cung ứng hàng hóa cho 2 tháng Tết là 19.881,1 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.221 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 11.024,2 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.182,9 tỷ đồng.

Với số vốn như trên, các doanh nghiệp bảo đảm được lượng hàng dự trữ, cung ứng đáp ứng kế hoạch TP.HCM giao, nhiều nhóm hàng đủ sức chi phối thị trường, chiếm từ 22% - 54,5% nhu cầu như thịt gia cầm chiếm 54,5%, trứng gia cầm chiếm 47%, thực phẩm chế biến chiếm 28,1%, thịt gia súc chiếm 21%, dầu ăn chiếm 27,5%, gạo chiếm 31,5%.

Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…

Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo…

Các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, SATRA, Aeon - Citimart, BigC… dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5% - 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết.

Để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán, trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực, đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ để điều phối thực hiện ngay khi có yêu cầu. Cụ thể, doanh nghiệp bình ổn thị trường TP.HCM chiếm 25% - 40% nhu cầu thị trường; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ chiếm 60% - 75% thị phần…

UBND TP.HCM

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: chuẩn bị hàng hóa dự trữ Tết, gần 200 chợ truyền thống đã hoạt động lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO