Tôn Trác là cử nhân chuyên ngành thú y. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô không ở lại thành phố để tìm việc mà về quê làm kỹ thuật viên trong trại nuôi lợn của bố.
Tôn Trác cho biết, cô yêu động vật từ khi còn nhỏ và cũng thích nuôi lợn. Với cô, việc nuôi lợn không chỉ mang lại giá trị về vật chất, còn góp phần trong việc phát triển kinh tế của vùng quê.
Cô tiết lộ, với vị trí kỹ thuật viên trong trang trại nuôi lợn, mỗi năm Tôn Trác thu được khoảng 100.000 NDT/năm (hơn 340 triệu đồng/năm). Tùy theo tình hình sản xuất và giá lợn mỗi năm, mức thưởng sẽ có sự dao động, các vị trí kỹ thuật cao mức lương sẽ cao hơn.
"Mặc dù thu nhập của tôi có thể không bằng với nhân viên văn phòng hay công chức ở một số thành phố, nhưng tôi nghĩ điều đó không quan trọng. Quan trọng là tôi được làm công việc bản thân yêu thích và nhận ra giá trị của bản thân".
Tôn Trác, hàng ngày, thức dậy lúc 6h để cho lợn ăn và uống nước, sau đó theo dõi tình hình và chẩn đoán bệnh nếu cần thiết. Cô sẽ kết thúc ngày làm việc lúc 16h-17h. Nói về áp lực trong công việc, Tôn Trác cho biết: "Khi đàn gia súc bị ốm hoặc có vấn đề, tôi phải tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị nhanh nhất".
Tôn Trác chia sẻ: "Nhiều người có định kiến cho rằng, nông thôn là lạc hậu, nghèo nàn. Nhưng với tôi, điều này không đúng, nông thôn giờ đây cũng đã phát triển hơn. Tôi hy vọng, sau khi chia sẻ câu chuyện của bản thân, mọi người sẽ có cái nhìn khác về sự thay đổi của nông thôn. Tôi tin với sự nỗ lực và đổi mới của bản thân, mọi người sẽ thấy được tiềm năng của vùng nông thôn".
Sau khi Tôn Trác chia sẻ câu chuyện trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Một khán giả bình luận: "Thật đáng khen cho một cô gái trẻ, sẵn sàng về quê xây dựng quê hương, phát triển ngành nông nghiệp, tạo ra giá trị cho xã hội, vui vẻ, hài lòng với công việc bản thân lựa chọn. Đây là điều mà ít các bạn trẻ có thể làm được".
"Mỗi người đều có lựa chọn riêng, chỉ cần được làm điều mình thích. Tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm của cô gái trẻ, rời thành phố về quê lập nghiệp", một khán giả khác bình luận.
Có người lại cho rằng: "Công việc của một kỹ thuật viên trong trang trại chăn nuôi không đơn giản. Tôi tin, Tôn Trác sẽ thành công hơn so với những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học nhưng vẫn cố bám trụ trên thành phố, chật vật tìm kiếm việc làm".
Bên cạnh đó, có người lại cho rằng: "Nuôi lợn kiếm được nhiều tiền nhưng cũng vất vả, mệt mỏi, làm sao bằng được cuộc sống ở thành phố?".
“Về nhà nuôi lợn cũng phải đăng lên mạng xã hội, khoe cả thu nhập chẳng phải rất khoa trương hay sao?”, một người khác để lại bình luận.
Trước những ý kiến trái chiều, Tôn Trác cho biết: "Ai cũng có quan điểm và ý kiến riêng. Tôi chỉ làm những gì mình muốn, miễn là không làm hại hay tổn thương đến ai và quan trọng hơn bản thân tôi yêu thích và vui".
Câu chuyện của Tôn Trác phản ánh được tình trạng chung của các sinh viên vừa tốt nghiệp. Họ đắn đo giữa việc ở lại thành phố hay về quê tìm việc. Tiêu biểu là câu chuyện về một cô gái ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc nộp hồ sơ vào 825 công ty, tham gia 30 buổi phỏng vấn nhưng vẫn không tìm được việc làm gây xôn xao dư luận.