Top 10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật trong năm 2021

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)| 01/01/2022 11:40

Trân trọng giới thiệu 10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2021 do Việt Báo bình chọn.

Làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 khiến kinh tế - xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn và phá sản khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận.

Đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19

Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế với GDP tăng 2,58%%; xuất nhập khẩu đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; xuất siêu khoảng 4 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Lọt top 10 thị trường Logistic mới nổi toàn cầu

Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận Agility công bố, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu bảng Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2021. Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi toàn cầu đã mở ra những cơ hội đầy triển vọng thu hút đầu tư nhằm đạt mục tiêu đến 2025 tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt từ 15-20%.

Những kỷ lục chưa từng có trên thị trường chứng khoán

Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lập những kỷ lục chưa từng có trong lịch sử về điểm số, thanh khoản và số tài khoản mở mới. VN-Index đạt mức cao nhất 1.500,8 điểm trong lịch sử giao dịch vào phiên 25/11, tăng gần 36% so với cuối năm 2020. Thanh khoản thường xuyên đã đạt mức hàng tỷ USD, đặc biệt lập kỷ lục ngày 23/12 với gần 53 nghìn tỷ đồng, tương ứng gần 2,3 tỷ USD. Riêng trong 11 tháng, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng lượng tài khoản mở mới của 4 năm trước đó cộng lại.

Quốc hội thông qua kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế

Ngày 12/11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết chỉ rõ cần hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực; nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

Đối thoại chiến lược quốc gia lần đầu tiên với WEF

Ngày 29/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Đây là cơ hội để Chính phủ Việt Nam chia sẻ những kế hoạch phục hồi nền kinh tế, từ đó thúc đẩy hợp tác giữa Chính phủ, các địa phương với các tập đoàn đồng hành khôi phục sản xuất kinh doanh, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các đặc khu kinh tế.

Kinh tế sản xuất theo kiểu “thời chiến”

Lần đầu tiên sản xuất kiểu “thời chiến”, nhà xưởng là “pháo đài”, một cách sản xuất chưa có tiền lệ như “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”... Mặc dù còn nhiều vướng mắc trong giai đoạn đầu nhưng phương thức sản xuất trên cũng hỗ trợ các doanh nghiệp phần nào để duy trì sản xuất trong những lúc dịch căng thẳng nhất. Tuy nhiên, do tính chất của mô hình và đặc thù của nhà xưởng, mô hình này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và đã "hoàn thành sứ mệnh" của mình khi các doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất trong trạng thái "bình thường mới".

Thanh toán không tiền mặt lên ngôi

Người Việt dùng thương mại điện tử trong dịch CVOD-19 tăng vọt, thúc đẩy chuyển đổi số, phương thức kinh doanh của mọi doanh nghiệp. Dịch bệnh đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn thanh toán không tiền mặt, giúp giảm tiếp xúc trực tiếp, tăng tiện ích, thanh toán mọi thời điểm, mọi khoảng cách... Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm 2021, giao dịch thanh toán qua điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị và qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Mở rộng cửa đón khách quốc tế trở lại

Việc Chính phủ đồng ý lộ trình mở cửa đón khách quốc tế và ngay sau đó Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã có hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đã giúp các doanh nghiệp đón khách quốc tế trở lại thí điểm từ tháng 11/2021. Hiện hàng không đang chuẩn bị tái khởi động mạng bay quốc tế, trước mắt 9 thị trường được định hướng khơi thông nối lại các chuyến bay thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore.

Kỷ lục đấu thầu giá đất

Thị trường bất động sản cả nước xôn xao vụ đấu giá đất tại khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM, với mức trúng đấu giá lên tới gần 2,4 tỉ đồng/m2, gấp 8 lần giá khởi điểm. Cuộc đấu giá diễn ra kịch tính với sự xuất hiện của nhiều “đại gia”, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. TP.HCM thu 37.000 tỉ đồng từ đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm.

Hãng xe ô tô Việt Nam “đem chuông gõ xứ người”

Hãng xe ô tô Việt Nam là Vinfast tung 2 mẫu xe điện trên đất Mỹ, cạnh tranh với hãng xe nổi tiếng là niềm tự hào về nền công nghiệp ôtô điện là Tesla. Khoảnh khắc những chiếc VF e34 đầu tiên lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất đánh dấu cột mốc quan trọng của ngành công nghiệp ôtô điện Việt Nam. Hiện xe điện của Vinfast cũng chính thức bàn giao cho người tiêu dùng Việt.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Top 10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật trong năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO