"Chúng ta đang từng bước tiến đến đất nước của chúng ta, tất cả những vùng lãnh thổ bị kiểm soát tạm thời… Chúng ta đang tiến về phía trước, sẵn sàng cho hòa bình. Tuy nhiên, hòa bình phải là hòa bình cho cả đất nước, tất cả lãnh thổ của chúng ta", Guardian dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước các binh sĩ nhân chuyến thăm Kherson ngày 14/11.
Chuyến thăm của ông Zelensky diễn ra không lâu sau khi Nga rút quân khỏi thành phố Kherson, đưa lực lượng sang phòng thủ ở bờ đông sông Dnipro. Giới chức phương Tây đánh giá đây là bước lùi lớn của Nga sau hơn nửa năm kiểm soát vùng đất chiến lược này.
Nhà lãnh đạo Ukraine tin tưởng rằng, động thái rút quân của Nga có thể xem là "khởi đầu chấm dứt xung đột". Ông cũng dành lời cảm ơn NATO và các đồng minh, đối tác khác đã hỗ trợ Ukraine trong thời gian chiến sự.
Nga giành quyền kiểm soát hầu hết tỉnh Kherson ở miền Nam Ukraine từ tháng 3 năm nay. Moscow đã bổ nhiệm chính quyền mới tại Kherson và chính thức tuyên bố sáp nhập tỉnh này hồi tháng trước sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Phía Nga cho biết, việc rút quân nhằm đảm bảo tính mạng cho binh sĩ và dân thường trước nguy cơ các cuộc phản công không kiểm soát của Ukraine. Điện Kremlin cũng khẳng định, điều này không ảnh hưởng đến tình trạng pháp lý của Kherson, nói cách khác là việc Kherson đã trở thành "một phần lãnh thổ Nga".
Phản ứng về chuyến thăm Kherson của ông Zelensky, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Miễn bàn luận. Đây là lãnh thổ của Nga".
Chiến sự Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 9, song chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù hai bên nhiều lần đưa ra tín hiệu sẵn sàng đàm phán.
Bộ Ngoại giao Nga hôm nay tuyên bố, Moscow không chấp nhận các điều khoản trước đó liên quan đến Ukraine, đặc biệt yêu cầu rút quân khỏi nước này. "Những điều kiện như vậy là không thể chấp nhận được. Tổng thống của chúng tôi đã nói nhiều lần rằng chúng tôi sẵn sàng đàm phán nhưng họ cần xét đến tình hình thực địa", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây nhấn mạnh, Moscow sẵn sàng chờ cho đến khi Kiev chấp nhận đàm phán, nhưng khi đó các điều kiện kèm theo cũng thay đổi tùy theo tình hình.
Nêu quan điểm về hòa đàm, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm nay nêu rõ, Ukraine có quyền quyết định các điều khoản đàm phán có thể chấp nhận được nhằm chấm dứt xung đột. Ông cũng khẳng định, NATO luôn ủng hộ Ukraine.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell cũng có chung quan điểm này khi cho rằng Kiev có toàn quyền quyết định khi nào đàm phán và đàm phán như thế nào với Nga. "Ukraine sẽ quyết định cần làm gì. Sứ mệnh của chúng tôi là hỗ trợ họ", ông Borell nói.