Dù tổng thống Mỹ có kênh truyền thông chính thức để đưa thông điệp của ông đến thế giới, việc không được giao tiếp qua mạng xã hội - phương tiện ông cho là kết nối trực tiếp với cử tri và không phải thông qua "truyền thông tin giả" - là một cảm giác ông chưa từng gặp trong nhiệm kỳ gần qua.
Những nền tảng mạng xã hội từng được coi như những chiếc "loa phóng thanh" của ông nay bị tước đi mất. Đỉnh điểm là việc Twitter, mạng xã hội tổng thống thường sử dụng nhất, tuyên bô sẽ khóa tài khoản của tổng thống vĩnh viễn.
Trước đó, Facebook cũng tuyên bố khóa tài khoản của ông Trump cho đến khi ông hết nhiệm kỳ, vì bài đăng của tổng thống Mỹ có nội dung được cho là kích động bạo lực hoặc phá hoại quá trình bầu cử.
Wall Street Journal cho biết, trong ngày đầu tiên sau khi vụ bạo động ở Điện Capitol diễn ra, tổng thống sống trong cảm giác tức giận và bị cô lập vì không được truy cập vào những tài khoản mạng xã hội vốn giúp ông xây dựng quyền lực.
Hành vi tự hủy hoại bản thân
Sau đoạn video tổng thống gọi những người biểu tình là "các bạn rất đặc biệt, tôi yêu các bạn", một số quan chức thân cận đã thúc giục ông đưa ra tuyên bố khác vào ngày 7/1.
Những người có chung lo lắng về đoạn video phản ứng ban đầu gồm Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, Cố vấn Cấp cao Stephen Miller, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany, ông Cipollone và con gái của tổng thống, Ivanka Trump.
Những quan chức này khuyên tổng thống rằng phải can ngăn người ủng hộ tham gia vào các cuộc bạo động nhân danh ông Trump, đặc biệt là khi ngày chuyển giao quyền lực đang đến gần.
Vào sáng 7/1, khi dự tiệc gặp mặt của các thành viên Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa tại Florida, ông cảm ơn các nhà tài trợ cho bữa tiệc nhưng không đề cập đến bạo loạn, một nguồn thạo tin nói với Wall Street Journal.
Trong những thời điểm khủng hoảng vừa qua, tổng thống Mỹ thường dành hàng giờ gọi điện thoại. Ông liên lạc với hàng chục bạn bè và cố vấn để tìm cách xử lý cuộc bầu cử.
Nhưng trong ngày 6/1 và ngày 7/1, ông lại từ chối nghe điện thoại của các cố vấn, bao gồm cựu Thống đốc bang New Jersey Chris Christie. Ngày 6/1, ông Christie dành 25 phút cố gắng liên lạc với tổng thống để thúc giục ông kêu gọi ngừng bạo lực.
Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin này.
Các cố vấn cho biết ông Trump vẫn còn tức giận đối với Phó tổng thống Mike Pence, cho rằng ông Pence đã phản bội khi không ngăn chặn việc chứng nhận kết quả bầu cử.
Một số quan chức Nhà Trắng hôm 7/1 không muốn đến Phòng Bầu dục vì muốn tránh mặt ông Trump. Họ mô tả tổng thống đang chìm trong "bóng tối". Dường như ông lo lắng về thất bại trong cuộc bầu cử hơn là hối hận vì vụ bạo động.
Các cố vấn riêng của tổng thống nhận định ông Trump ngày càng hành động theo cách tự hủy hoại bản thân. Một cố vấn mô tả hành vi của tổng thống ngày càng thất thường và khó đoán.
“Giống như tôi đang chứng kiến ai đó tự hủy hoại bản thân ngay trước mắt và nhưng lại không thể làm gì được”, một cố vấn nói với Wall Street Journal.
Chuyển sang sử dụng mạng xã hội khác
Từ đầu năm 2020, ông Trump yêu cầu người về sau trở thành quản lý chiến dịch tranh cử là Brad Parscale và các trợ lý tìm cho ông một mạng xã hội khác ngoài Twitter.
Một quan chức lo ngại rằng một ngày nào đó Twitter có thể sẽ cấm ông Trump đăng tải các bài đăng gây tranh cãi.
Và đó chính là ngày 8/1, khi Twitter thông báo khóa vĩnh viễn tài khoản cá nhân của Tổng thống Trump ở địa chỉ @realDonaldTrump, nhằm ngăn chặn rủi ro kích động bạo lực trong tương lai.
Twitter cho biết quyết định đình chỉ tài khoản cá nhân của ông Trump được đưa ra sau khi xem xét nội dung hai chia sẻ trong ngày 8/1, sau khi tài khoản được mở lại (trước đó Twitter khóa tài khoản ông Trump trong 12 giờ sau khi xảy ra vụ bạo động).
Tổng thống Mỹ thích Twitter vì ở nền tảng này, ông có lượng người theo dõi khổng lồ. Nhưng sau khi bị Twitter "bịt miệng", có lẽ ông không còn lựa chọn nào ngoài việc bắt đầu lại từ đầu ở một mạng xã hội khác.
Tuy nhiên, hiện chưa thể xác định được ông Trump muốn chuyển sang dùng mạng xã hội nào, theo Politico.
YouTube hiện vẫn chưa cấm ông Trump, nhưng đầu tuần qua đã thông báo sẽ đình chỉ bất kỳ kênh nào lặp lại những tuyên bố vô căn cứ về gian lận cử tri.
Từ lâu, tin đồn lan truyền cho rằng ông Trump sẽ mở trang tin riêng khi rời Nhà Trắng. Tuy nhiên, các quan chức thân cận với tổng thống nghi ngờ ý tưởng này, vì việc tung ra một nền tảng mới đồng nghĩa với việc thành lập doanh nghiệp lớn.
"Tôi luôn biết các mạng xã hội rất vui khi có thể cấm tài khoản của ông Trump. Họ chỉ đang chờ đợi thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, điều này sẽ không ngăn cản được ông ấy. Chỉ là tổng thống sẽ chuyển sang đăng bài ở một nền tảng khác", Brad Parscale, quản lý chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông Trump, cho biết.
Một số quan chức cho rằng ông Trump sẽ có nhiều cách khác để tiếp cận các phương tiện truyền thông. Các tờ báo và trang tin này chắc chắn sẽ tập trung viết về cuộc sống của ông Trump khi rời khỏi Nhà Trắng.
Kevin Madden, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012 của Thượng nghị sĩ Mitt Romney, cho biết: "Nền tảng mạng xã hội chính bị cấm, nhưng ông ấy có các nền tảng khác".
"Ông Trump có thể lên sóng qua radio nói chuyện hoặc xuất hiện trên bản tin truyền hình cáp bất cứ khi nào ông muốn. Quân đoàn ủng hộ ông vẫn sẵn sàng lan truyền bất kỳ thông điệp hoặc nội dung nào ông ấy muốn quảng bá", ông Madden nói thêm.