Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới Ba Lan để thảo luận với người đồng cấp Andrzej Duda về những nỗ lực tăng cường hỗ trợ cho chính phủ Kiev, và trừng phạt Nga liên quan tới cuộc tấn công quân sự ở Ukraine.
RT đưa tin, theo thông báo của Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, Tổng thống Biden sẽ gặp Tổng thống Duda ở thủ đô Warsaw vào ngày 25/3 nhằm thảo luận về “phản ứng của Mỹ và các nước đồng minh trước cuộc khủng hoảng nhân đạo và nhân quyền liên quan tới cuộc chiến của Nga ở Ukraine”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp mặt năm 2021. (Ảnh: AP) |
Cuộc gặp diễn ra sau khi ông Biden tới thành phố Brussels của Bỉ để nhóm họp với các đồng minh NATO và giới chức Liên minh châu Âu (EU) để “bàn luận về những nỗ lực quốc tế hỗ trợ cho Ukraine, cũng như áp đặt cái giá đắt và chưa từng có với Nga”.
Dù chính quyền của Tổng thống Biden lâu nay hỗ trợ quân sự cho Ukraine đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt hà khắc với Nga, nhưng vẫn muốn né tránh cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga – Mỹ.
Trong tháng này, ông Biden cũng đã từ chối kế hoạch chuyển giao các chiến đấu cơ của Ba Lan cho Ukraine sau khi nhận định động thái này càng làm gia tăng căng thẳng.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby tuyên bố vào thời điểm đó rằng, “Chúng tôi tin việc chuyển giao thêm chiến đấu cơ không thể tăng cường năng lực mà còn gây nguy cơ cao”.
Tổng thống Vladimir Putin đã cho phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào ngày 24/2 và xem đây là phương án tốt nhất để bảo vệ hai nước “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk” ở miền đông Ukraine cùng Nga.
Tuy nhiên, Mỹ và các nước đồng minh cáo buộc Nga muốn xâm chiếm Ukraine. Từ đây, Nga bị áp đặt hàng ngàn giới hạn mới và lệnh trừng phạt từ Mỹ và EU nhằm “cô lập” và “phá hủy” nền kinh tế Nga.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga hôm 20/3 công bố quân đội Nga đã tấn công một trung tâm huấn luyện lực lượng đặc nhiệm của Ukraine vào sáng sớm cùng ngày, và tiêu diệt hơn 100 tay súng địa phương cùng lính đánh thuê nước ngoài.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho hay trung tâm huấn luyện của lực lượng đặc nhiệm Ukraine ở gần thị trấn Ovruch, phía bắc vùng Zhytomyr và cũng là nơi hoạt động của các tay súng đánh thuê đã bị loạt “tên lửa phóng từ trên không có độ chính xác cao” của Nga tấn công.
Kết quả, vụ không kích đã tiêu diệt hơn 100 tay súng đặc nhiệm của Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài, ông Konashenkov cho biết.
Cách đây một tuần, Nga cũng đã tấn công vào một cơ sở của lính đánh thuê tại Yavoriv, phía tây tỉnh Lviv, và cướp đi sinh mạng của 180 lính đánh thuê nước ngoài.
Tuy nhiên, Kiev lại đưa ra con số hoàn toàn khác khi cho biết chỉ có 35 người thiệt mạng sau cuộc tấn công của Nga và tất cả là công dân Ukraine.
Nhưng trên thực tế, sau cuộc không kích của Nga, nhiều bài báo nghi ngờ số lượng lớn tay súng đánh thuê ở Ukraine đã bỏ chạy sang Ba Lan. Một số tay súng chia sẻ trên mạng xã hội và các bài phỏng vấn rằng cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra không như họ nghĩ ban đầu.
Nga từng cảnh báo quốc gia này biết được toàn bộ vị trí lính đánh thuê hoạt động trên lãnh thổ Ukraine, và nhấn mạnh sẽ tấn công “không thương tiếc”.
“Toàn bộ trách nhiệm về cái chết của lính đánh thuê nước ngoài tại Ukraine thuộc về lãnh đạo của những quốc gia đó”, những người khuyến khích công dân đáp lại lời kêu gọi liên tiếp của chính quyền Kiev về việc tới hỗ trợ cuộc chiến, ông Konashenkov nói hồi tuần trước.
Nga lâu nay yêu cầu Ukraine đưa ra tuyên bố chính thức là một nước trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập liên minh quân sự NATO.
Còn chính quyền Kiev khẳng định Nga tấn công quân sự mà không có bất cứ sự khiêu khích nào trước đó. Kiev đồng thời phủ nhận có ý định dùng vũ lực để lấy lại hai nước “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk” ở miền đông Ukraine.
Chia sẻ với CNN hôm 20/3, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho hay Ukraine sẽ không thỏa hiệp liên quan tới vấn đề “hợp nhất lãnh thổ”, song khẳng định Kiev sẽ tiếp tục đàm phán với Nga để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Khi được phóng viên của CNN hỏi về những yêu cầu của Moscow bao gồm việc công nhận bán đảo Crimea thuộc lãnh thổ Nga và nền độc lập của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk” ở miền đông Ukraine, Tổng thống Zelensky khẳng định “bất cứ sự thỏa hiệp nào liên quan tới chủ quyền và quyền hợp nhất lãnh thổ không thể được đưa ra”.
“Các ngài không thể dùng vũ lực để ép Tổng thống của một quốc gia khác công nhận mọi thứ”, RT dẫn lời ông Zelensky.
Ông Zelensky nhấn mạnh thêm nếu không có đàm phán, cuộc xung đột không thể được giải quyết, và khi hai bên không đạt được thỏa thuận, chuyện này có thể dẫn tới chiến tranh thế giới lần thứ 3. Tổng thống Ukraine cho biết ông sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Tôi đã sẵn sàng cho chuyện này suốt 2 năm qua”, ông Zelensky khẳng định.
Trong một động thái thể hiện sự nhượng bộ lớn, vào tuần trước, Tổng thống Zelensky nói rằng Ukraine không nên gia nhập NATO.
Hôm 20/3, ông Zelensky nói thêm nếu NATO không muốn kết nạp Ukraine làm thành viên, kết luận nên được đưa ra “ngay lập tức”.
“Nếu chúng tôi là thành viên của NATO, chiến tranh đã không xảy ra. Tôi muốn nhận được lời đảm bảo an ninh cho đất nước và người dân của tôi”, ông Zelensky phát biểu.
Minh Thu (lược dịch)