Tổng thống Joe Biden thăm châu Á: Giá trị của tình hữu nghị lâu năm có giúp Mỹ an tâm giữa thời cuộc?

Phương Hà| 24/05/2022 13:58

Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng chuyến công du châu Á lần này sẽ củng cố niềm tin của ông rằng tình hữu nghị lâu năm có thể trở nên thân thiện hơn nữa và sẽ đem lại những kết quả xứng đáng.

Biden ở châu Á: Bạn mới, căng thẳng cũ và rối ren từ quê nhà
Tổng thống Mỹ Joe Biden công du châu Á với nhiều mục đích chiến lược khác nhau. (Nguồn: AP)

Trung gian gắn kết

Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã ở mức xấu nhất trong nhiều thập niên do những tranh chấp về lịch sử thời chiến và thương mại. Đây là những rạn nứt mà hai nhà lãnh đạo mới của hai nước có vẻ sẵn sàng hàn gắn. Tổng thống Biden như một người đối thoại có thể giúp Nhật-Hàn tiến lại gần nhau hơn.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã nhậm chức cách đây hơn một tuần với kỳ vọng mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Còn Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, người nhậm chức vào tháng 10/2021, nói với nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc sau cuộc bầu cử hồi tháng 3 rằng “các mối quan hệ lành mạnh” là rất quan trọng đối với hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế.

Theo nhìn nhận của ông Kishida, trật tự dựa trên luật lệ đang bị đe dọa bởi xung đột Nga-Ukraine, do vậy, Tokyo mong muốn một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Seoul để cùng nhau ứng phó trước những nguy cơ sóng gió tiềm tàng trong khu vực.

Vấn đề Triều Tiên

Chuyến thăm của Tổng thống Biden diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Nhật Bản đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng lớn từ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang cố buộc Mỹ phải công nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân.

Bình Nhưỡng đã tiến hành tới 16 vụ thử tên lửa trong năm 2022, kể cả vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên của nước này sau 5 năm hồi tháng 3.

Hiện ông Kim Jong-un đang cố gắng khai thác một môi trường thuận lợi để thúc đẩy chương trình hạt nhân khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) bị chia rẽ về xung đột Nga-Ukraine.

Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nói rằng, tình báo Mỹ cho thấy có "khả năng rất cao” Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo hoặc vụ thử hạt nhân khác trong khoảng thời gian diễn ra chuyến thăm tới châu Á của Tổng thống Biden.

Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đã bị đình trệ suốt hơn ba năm do những bất đồng về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu để đổi lấy các bước giải trừ hạt nhân của Triều Tiên.

Các vấn đề trong nước

Dù đang cách xa đất nước nửa vòng Trái đất, Tổng thống Biden cũng không thể thoát khỏi những sóng gió đang diễn ra tại Mỹ.

Thị trường chứng khoán tụt dốc vì lo ngại về nền kinh tế. Tình trạng thiếu sữa công thức đang khiến các gia đình nản lòng, dù đã có những nỗ lực nhập khẩu và tăng nguồn cung trong nước.

Nỗi đau của vụ xả súng hàng loạt tại Buffalo, New York với động cơ phân biệt chủng tộc vẫn còn chưa nguôi. Thêm vào đó là giá xăng dầu tăng cao và thách thức dai dẳng từ tình trạng lạm phát ở mức cao nhất trong vòng gần 40 năm.

Tổng thống Biden có thể muốn thu hút sự chú ý của công chúng về những nỗ lực của ông ở nước ngoài, nhưng khả năng ông sẽ phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về những gì đang xảy ra ngay trên chính nước Mỹ.

Biden ở châu Á: Bạn mới, căng thẳng cũ và rối ren từ quê nhà
Các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ họp tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 24/5. (Nguồn: Reuters)

Nhóm Bộ tứ

Lãnh đạo nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản có cuộc gặp ngày 24/5 với mục tiêu là một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”.

Tuyên bố chung của nhóm năm 2021 không đề cập Trung Quốc, nhưng nhiều lập trường nhóm Bộ tứ thông qua được hiểu là mong muốn kìm hãm tham vọng trở thành cường quốc chi phối ở châu Á của Trung Quốc.

Thách thức từ Trung Quốc

Trung Quốc đang theo dõi sát sao chuyến thăm của Tổng thống Biden. Washington và các đồng minh là đối tác thương mại của Bắc Kinh.

Tuy vậy, sự cạnh tranh vẫn tồn tại giữa các cặp quan hệ. Các quan chức Mỹ ngày càng định hình mối quan hệ với Trung Quốc là quan hệ cạnh tranh.

Ngay trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau tại Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh và nói với cả thế giới rằng quan hệ giữa hai nước là tình bạn “không giới hạn”.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Trung Quốc đã chỉ trích các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow, tỏ ra do dự trước các lệnh cấm do Mỹ và các đồng minh áp đặt.

IPEF - một thông điệp quan trọng

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2017.

Trong khi đó, Tổng thống Biden thể hiện đi theo con đường ngược lại, song không tỏ ra nhiệt tình trong việc quay trở lại thỏa thuận trên. Điều này đã khiến Mỹ đến châu Á để thúc đẩy một hiệp định thương mại khác: Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).

Khuôn khổ này hướng đến hợp tác khu vực trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, tiêu chuẩn người lao động, thuế và các chương tình chống tham nhũng.

Thúc đẩy ngành sản xuất chip điện tử

Chip điện tử là “động cơ” của thời đại kỹ thuật số song thế giới đang thiếu một nguồn cung đáng tin cậy trong thời kỳ đại dịch.

Các quan chức chính phủ Mỹ hy vọng, tình trạng thiếu hụt chip điện tử sẽ giảm bớt vào cuối năm nay, nhưng có thể phải đến năm 2023 mới đủ chất bán dẫn trên thị trường để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp này.

Không ai phủ nhận sự cần thiết phải hợp tác nhiều hơn, nhưng có một cuộc tranh luận vô tiền khoáng hậu về cách tăng sản lượng để có thể bền vững trước dịch bệnh, xung đột, thời tiết khắc nghiệt và các thiên tai khác.

Tổng thống Biden muốn các doanh nghiệp Mỹ sản xuất được nhiều hơn. Nhật Bản cũng đang tìm cách sản xuất nguồn cung cho công nghệ robot, trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tổng thống Joe Biden thăm châu Á: Giá trị của tình hữu nghị lâu năm có giúp Mỹ an tâm giữa thời cuộc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO