Quyết định tương ứng được ký bởi thẩm phán của Tòa án Tối cao Brazil, Alexander de Moraes. Văn bản có nêu, nguyên thủ quốc gia Brazil phải điều trần vào chiều ngày 28/1.
Vụ việc bắt nguồn từ một vụ vi phạm dữ liệu về cuộc tấn công vào hệ thống Tòa án Bầu cử tối cao Brazil (TSE) diễn ra vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2018. Sau đó, nhà lãnh đạo Brazil đăng ảnh tài liệu lên mạng xã hội và nói rằng hệ thống bỏ phiếu điện tử của nước này rất dễ bị hack và gian lận.
Tuy nhiên, những người chỉ trích chính trị gia tin rằng, ông Bolsonaro đang sử dụng vụ rò rỉ dữ liệu để gây nghi ngờ về kết quả bầu cử nếu ông thua ở vòng hai.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. (Ảnh: RIA) |
Các thẩm phán của TSE cho hay, hành động của tổng thống có thể bị quy vào tội “phát tán các thông tin mật mà không có lý do chính đáng”.
Được biết, hành động của nhà lãnh đạo cánh hữu Brazil nằm trong chiến dịch mà ông đang thúc đẩy nhằm vào hệ thống bỏ phiếu điện tử đang được áp dụng suốt từ năm 1996 đến nay.
Dù không đưa ra được bằng chứng nào, ông Bolsonaro luôn cho rằng hòm phiếu điện tử sẽ góp phần vào các âm mưu gian lận và đang gây sức ép để Quốc hội Brazil thông qua việc áp dụng trở lại hệ thống bỏ phiếu giấy như trước đây.
Bên cạnh đó, ngoài việc bị cáo buộc tiết lộ tài liệu mật, Tổng thống Bolsonaro cũng đang đối mặt với một thách thức pháp lý khác khi Hiệp hội Người bản địa Brazil (APIB) cùng ngày đã yêu cầu Toà án Hình sự quốc tế (ICC) điều tra nhà lãnh đạo Brazil về những quyết định liên quan tới vấn đề môi trường.
APIB cáo buộc ông Bolsonaro có những quyết sách làm gia tăng nạn phá rừng nhiệt đới Amazon, cắt giảm ngân sách cho chương trình bảo vệ môi trường, tạo điều kiện cho hoạt động nông nghiệp và khai thác mỏ tại những khu bảo tồn bản địa và các vùng đất được bảo vệ khác. Điều này đe dọa đến nơi ở của cộng đồng người bản địa.
Trưởng công tố viên của ICC sẽ quyết định về việc có theo đuổi vụ kiện này hay không. Nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và số vụ cháy rừng tại Brazil đã tăng vọt kể từ khi Tổng thống Bolsonaro nhậm chức vào năm 2019.
Các số liệu chính thức được công bố cuối tuần trước cho thấy tính từ đầu năm đến cuối tháng 7 vừa qua, diện tích rừng Amazon tại Brazil bị phá ở mức kỷ lục, phá hủy một khu vực gần bằng diện tích của Puerto Rico.
Thanh Bình (lược dịch)