Tổng hợp những thay đổi trong đăng ký tuyển sinh đại học năm 2023

Tú Uyên (tổng hợp)| 06/03/2023 12:48

Tuyển sinh năm 2023, thí sinh cần lưu ý là năm nay chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký cả phương thức xét tuyển như năm 2022.

Trong hội nghị tuyển sinh năm 2023 được tổ chức sáng 3/3, tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ Giáo dục và đào tạo - đã công bố nhiều chính sách tuyển sinh mới, áp dụng trong công tác tuyển sinh từ năm 2023.

z4155607685194_1cee9aad27fb9e026a9550800d448a52.jpg

-Để tránh tình trạng học sinh nhầm lẫn giữa các phương thức xét tuyển, đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển, từ năm 2023, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển ngành, không cần phải đăng ký xét tuyển theo phương thức tuyển sinh. Thí sinh có thể trúng tuyển theo bất kỳ phương thức nào vào ngành mình đăng ký nếu đủ điều kiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn thiện hệ thống tuyển sinh để hạn chế các sai sót và bổ sung các dữ liệu liên quan theo các phương thức như điểm thi đánh giá năng lực, thi tư duy… Bộ cũng sẽ rút ngắn thời gian tuyển sinh so với năm 2022.

-Thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay chỉ còn hai tuần (trong khi năm 2022 là một tháng), công tác tuyển sinh dự kiến sẽ được hoàn tất vào ngày 14/8. Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn một tháng so với năm ngoái. Các cơ sở giáo dục đại học có thể khai giảng năm học mới từ tháng 9/2023.

Ngoài ra, các trường thông báo tuyển sinh đợt bổ sung từ ngày 01/9. Từ tháng 10 đến tháng 12/2023 xét tuyển các đợt tiếp theo và cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.

-Từ năm 2023, một số điểm đã quy định trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 sẽ lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng như quy định cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần. Cụ thể cách tính điểm ưu tiên như sau:

Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định.

Với công thức trên, 1 học sinh ở khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.

Trước khi đưa ra điều chỉnh này, Bộ đã thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của vài năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau).

Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định trước đây, tỉ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên. Điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.

-Cũng từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp. Như vậy, nếu thí sinh tham gia xét tuyển đại học từ năm thứ 3 trở đi sau khi tốt nghiệp THPT thì sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực.

-Thí sinh cần cung cấp thông tin, minh chứng về đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên ngay khi đăng ký dự thi, điểm tiếp nhận chịu trách nhiệm về kết quả rà soát, xác nhận ưu tiên cho thí sinh, áp dụng điểm ưu tiên.

-Đối với các trường cần phải phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển; loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả; có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển; phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tổng hợp những thay đổi trong đăng ký tuyển sinh đại học năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO