Cách nấu nước mát rễ tranh mía lau râu bắp
“Mía Lau và rễ tranh” có hiệu quả rất tốt trong việc hạ nhiệt cơ thể, giải khát và làm dịu mát tinh thần trong những ngày nắng nóng.
Nước mía lau rễ tranh thơm ngon, thanh mát là một trong những loại nước mát phổ biến ngày nay.
Chuẩn bị nguyên liệu
Để nấu nước mát mía lau ngon chuẩn vị thì các bạn cần phải chuẩn bị các nguyên liệu như sau
– 300g rễ tranh.
– 300g lá dứa.
– 500g đường phèn.
– 5 khúc mía lau.
– 300g râu bắp.
– 3 lít nước.
Cách thực hiện
Trước tiên, với mía lau thì các bạn rọc vỏ từng cây mía, sau đó rửa sạch và chẻ khúc nhỏ khoảng 1 gang tay.
– Râu bắp và rễ tranh thì nhặt lựa những sợi khô, cỏ dại ra, rửa nước sạch nhiều lần cho trôi hết đất cát, bụi bẩn.
– Đối với lá dứa thì các bạn cũng rửa sạch rồi bó lại thành từng cuộn tròn.
– Đường phèn giã thành viên nhỏ để khi nấu đường nhanh tan hơn.
– Bắt nồi chứa khoảng 3 lít nước lên bếp, thả mía lau, rễ tranh và lá dứa vào đun sôi nước khoảng 30 phút. Sau đó, bạn tiếp tục cho đường phèn và râu bắp vào nồi nước, đun sôi thêm khoảng 10 phút nữa cho tan hết đường phèn rồi tắt bếp.
– Nước mát nấu xong để nguội, vớt râu bắp, lá dứa, mía lau rễ tranh ra, lọc lấy phần nước cốt thanh ngọt mát lành.
– Thưởng thức: Nước mía lau rễ tranh nên ướp lạnh dùng nguyên chất sẽ thơm ngon thanh khiết; hoặc có thể thưởng thức loại nước này với vài viên đá lạnh.
Với cách nấu này thì loại nước này sẽ thơm ngon thanh mát hơn.
Cách nấu nước mát Atiso thanh nhiệt giải độc hiệu quả
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
2 bông hoa atiso, 1 bó lá dứa, 60g đường phèn và 3,5 lít nước.
Sơ chế nguyên liệu:
Trước tiên, các bạn sơ chế hoa atiso bằng cách ngâm hoa vào chậu ngâm với nước muối pha loãng khoảng 30 phút để loại bỏ bụi bẩn và khử độc. Sau đó, cắt hoa thành 4 miếng.
Lá dứa rửa sạch rồi cắt thành từng khúc ngắn, sau đó bó thành bó rồi để cho ráo nước.
Cách thực hiện:
Đầu tiên, các bạn cho hoa atiso và lá dứa, đường phèn vào nồi với 3,5 lít nước. Đun sôi sau đó đun nhỏ lửa trong thời gian 1,5 tiếng.
Sau đó, các bạn để nguội và cho vào lọ thủy tinh bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh uống dần. Đối với nước mát của hoa atiso thì các bạn chỉ nên nấu vừa đủ dùng hết trong 3-4 ngày, không nên để quá lâu vì sẽ làm giảm mất tác dụng của loại nước mát này.
Không chỉ có tác dụng giải độc, mát gan, giải thanh nhiệt cơ thể, loại nước mát nấu từ hoa atiso này còn rất hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa, lợi cho gan mật, kích thích ăn ngon, tốt cho tim mạch…
Cách nấu nước mát từ la hán quả
Trong Đông y, quả la hán có vị ngọt, tính mát, tốt cho nhuận tràng, thanh nhiệt cơ thể.
Do đó, từ xa xưa đến nay, người Hoa thường sử dụng quả la hán làm thuốc điều trị các trường hợp viêm phế quản, cảm sốt, viêm họng, ho nhiều đờm, táo bón… hoặc phổ biến nhất là dùng loại quả này để nấu nước mát thanh nhiệt giải độc.
Nguyên liệu nấu nước mát la hán quả
– Để nấu nước mát la hán quả, bạn cần chuẩn bị 1 quả la hán và 1,5 lít nước.
Cách thực hiện
Dùng dao bổ quả la hán thành 4 hoặc 2. Chỉ sử dụng quả la hán khi thấy phần ruột vẫn còn hơi ướt và có màu đậm; không nên sử dụng quả la hán khi phần ruột đã khô.
Cho quả la hán vào đun sôi với 1 – 1.5 lít nước. Đun trong khoảng 10 – 15 phút là bạn đã có thể uống rồi. Mỗi người có thể uống mỗi ngày 1 quả để uống.
Cách nấu nước mát 24 vị của người Hoa
Nước mát 24 vị hay còn gọi là sâm 24 vị là loại nước mát giải khát được nhiều người Hoa ưa chuộng vì vừa thơm ngon, mát gan lợi tiểu, giải độc cơ thể và nhiều công hiệu bổ ích khác.
Tuy nhiên, mỗi thể trạng sức khỏe khác nhau, nên mỗi trường hợp sử dụng với liều lượng, loại nguyên liệu… sẽ có phần khác biệt. Các bạn nên đến các cửa hiệu Đông Y gia truyền để được tìm mua nguyên liệu phù hợp nhất cho cơ thể.
Nguyên liệu
Phổ biến nhất được nhiều người ưa chuộng nhất là công thức: 3 khúc mía lau, 1 bó rễ tranh, 1 bó bông ngò, 50g râu bắp, 50g mã đề, 3 cây lá sữa, muối, 80g đường phèn, 6 lít nước.
Cách thực hiện
Rửa sạch tất cả các nguyên liệu, nếu có thời gian hãy ngâm rửa với nước muối khoảng 20 phút để loại bỏ vi khuẩn và bụi bẩn.
Sau đó rửa sạch và để ráo nước. Bó các nguyên liệu thành từng bó nhỏ; mía lau nên chặt thành từng khúc ngắn.
Cho tất cả các nguyên liệu thảo dược vào trong nồi (trừ đường phèn) với 6 lít nước.
Đun sôi rồi đun nhỏ lửa trong khoảng 40 phút. Khi thấy nước chuyển thành màu nâu đậm là được. Tiếp tục lọc lấy nước bỏ bã. Cho thêm đường phèn vào rồi khuấy đều cho đường tan hết là được.
Cách nấu nước mát rong biển
– Nguyên liệu cần có: 100g rong biển nấu nước mát; 200g đường phèn.
– Cách nấu nước mát rong biển: Để khử bớt mùi của rong biển, bạn hãy ngâm rửa rong biển nhiều lần với nước sạch và vài lát gừng khoảng 20 phút.
Vớt ra cho ráo nước rồi cho vào đun sôi nhỏ lửa trong 2 lít trong khoảng 40 phút. Sau đó cho đường phèn vào khuấy tan hết ra là xong.
Cách nấu nước mát bông cúc
Bông cúc trong Đông Y cũng là một loại thảo mộc có tác dụng giúp giải tỏa căng thẳng thần kinh, giải nhiệt, hỗ trợ trị mụn và giúp ngủ ngon hơn.
– Nguyên liệu cần có: vài bông cúc khô, đường phèn.
– Cách nấu nước mát bông cúc: Trước tiên, các bạn ngâm bông cúc vào nước lạnh trong khoảng 15 phút, sau đó rửa sạch bụi bẩn.
Vắt ráo bông cúc, nhưng đừng vắt mạnh tay quá, bông cúc sẽ dễ bị nát.
Sau đó, các bạn cho bông cúc vào nồi nước sao cho nước ngập mặt bông cúc.
Đun khoảng 15 phút cho sôi và dậy lên hương thơm. Vớt xác bông cúc ra khỏi nồi nước. Cho thêm đường phèn theo khẩu vị vào khuấy tan và thưởng thức.
Quán ăn kinh doanh thêm món nước mát người Hoa để tăng lợi nhuận
Thực tế, ngày nay, nhiều quán ăn đã mở rộng mô hình kinh doanh bằng cách bán thêm các loại nước giải khát, nước ngọt có gas, cho tới các loại nước mát người Hoa (nước sâm rong biển, sâm mía lau, nước sâm bông tuyết củ năng…) để đáp ứng nhu cầu thưởng thức ẩm thực đa dạng của thực khách.
Vào những ngày nắng nóng, việc đến quán thưởng thức món ăn ngon, nước uống mát lạnh luôn hấp dẫn thực khách và đem lại nguồn thu cao
Cụ thể, một bộ phận không nhỏ các quán ăn hủ tiếu, mì người Hoa sẽ thường tự nấu món nước mát với các loại thảo mộc Đông Y theo công thức gia truyền rồi phục vụ thực khách tại quán theo ly, với giá khoảng từ 20 – 22 nghìn đồng. Thông thường, các quán ăn làm theo dạng mô hình này hơi tốn công nấu nhưng chất lượng đảm bảo; Hơn nữa, việc quán bán nước mát trong ly thủy tinh, theo đúng gu người Hoa xưa, lại không tốn chai nhựa, nấu ngày nào bán ngày nấy, biên độ lợi nhuận cao, một vốn hai lời.
Ngoài ra, cũng có nhiều quán ăn kinh doanh nước mát theo dạng mua sỉ của những quán bán nước sâm gia truyền rồi bán lại cho thực khách dùng tại quán. Mô hình này cũng rất chất lượng và hiệu quả, ít tốn công sức hơn. Tùy nguồn cung mà giá các loại nước mát cũng sẽ khác nhau, biên độ lợi nhuận cũng khác nhau, bình quân mỗi chai bán được thì quán ăn có thể lời từ 6 đến 7 nghìn đồng.
Một số ít các quán ăn quy mô vừa và nhỏ hơn thì ưa chuộng bán nước mát giải khát của các đơn vị sản xuất các loại nước giải khát đóng chai sẵn (loại có thương hiệu), cùng với các loại sữa hạt sen, sữa bắp… và nhiều loại nước ngọt có ga thông thường khác để phục vụ khách hàng bình dân, với mức giá từ 15 nghìn đồng / chai, biên độ lợi nhuận khoảng 4 – 5 nghìn đồng / chai, tùy loại.
Tóm lại, nước mát người Hoa không chỉ thơm ngon, thanh mát, có tác dụng giải khát mà còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các bạn có thể dễ dàng nấu nước mát tại nhà cho người thân hoặc tận dụng món nước mát người Hoa để kinh doanh, tăng thêm lợi nhuận cho các quán ăn của mình.