Tôi nghe nói về GS Nguyễn Phú Trọng đã lâu nhưng mãi thời điểm ông là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, tôi mới có dịp gặp. Nơi làm việc của ông tại trụ sở Thành uỷ Hà Nội thật đơn sơ, bình dị. Là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, dù khi ấy đang rất bận rộn với công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và biết bao công việc của Thành phố, nhưng ông vẫn cởi mở, chân tình tiếp tôi như với một người đã từng thân quen từ lâu. Với chất giọng trầm ấm, ông lần lượt trao đổi theo vấn đề tôi nêu, mà lại như những câu chuyện tự sự sâu lắng…
GS Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/04/1944, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Hai cụ thân sinh đều làm ruộng, sống ngay thẳng, nhân hậu và giữ nếp gia phong. Các anh chị em đều thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
Năm 1947, ông theo gia đình tản cư lên Thái Nguyên. Năm 1950, ông hồi cư về sống trong vùng tề, hàng ngày chứng kiến biết bao cảnh đói khổ, giặc Pháp lùng sục, vây ráp, bắt bớ, tra tấn cán bộ du kích, Việt Minh. Làng xóm lúc nào cũng nơm nớp, lo sợ. Năm 1952, ông bắt đầu đi học thầy giáo trường làng - một thầy giáo già đức độ nhưng nghiêm khắc.
Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quê hương giải phóng, cậu học trò Nguyễn Phú Trọng được đi học trong không khí hoà bình, phấn khởi. Lớp 2 và lớp 3 ông học ở xã nhà. Khi lên lớp 4, ông phải đi học xa, vì hai xã mới có một lớp.
Trời rét cắt da cắt thịt cũng chỉ có vài manh áo mỏng, chân đi đất, phải đốt than bỏ vào ống bơ để sưởi ấm dọc đường. Lớp học là một gian "tảo mạc" tuềnh toàng của khu đình cổ. Được cái ông học rất "sáng dạ" nên năm nào cũng đứng ở tốp dẫn đầu lớp.
Từ năm 1957 đến năm 1963, ông học trường cấp II rồi cấp III Nguyễn Gia Thiều đóng tại Gia Lâm, Hà Nội. Nhà xa, lại cách trở con sông Đuống, ông và các bạn phải đi học từ 3 - 4 giờ sáng. Mùa hè còn đỡ, mùa đông rất vất vả, nhiều hôm trời mưa, đò không chở sớm, ông đành đến lớp muộn. Được một thời gian, phải trọ học.
Vài ba anh em ở nhờ một nhà dân, tự lo cơm nước và giúp đỡ nhau học tập. Ăn uống kham khổ, thiếu thốn, nhiều lúc ông phải vừa học vừa tự lao động kiếm sống. Có lẽ vì thế mà người thanh niên Nguyễn Phú Trọng đã sớm có ý thức tự lập và có ý chí vươn lên.
Ngay từ nhỏ, ông đã rất thích văn học dân gian và thường ước mơ được theo nghề văn hoặc nghề báo. Ham học lại thông minh nên học hết lớp 10, ông thi đỗ ngay vào Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khoá 1963 - 1967).
Những chuyện đời thường thú vị của nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Trường sở lúc này còn phân tán. Năm đầu học ở khu Chùa Láng, năm sau chuyển về khu Mễ Trì. Từ năm 1965 đến năm 1967, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). Đó là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang hồi quyết liệt, nhưng thầy và trò nhà trường vẫn nêu cao quyết tâm dạy tốt và học tốt. Mỗi khi nhớ lại những tháng ngày học tập tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, GS. Nguyễn Phú Trọng không khỏi bồi hồi xúc động pha lẫn sự tự hào.
Ông kể: "Vào một buổi sáng đẹp trời, đầu tháng 9.1963, chúng tôi tập trung ở giảng đường 1 - phố Lê Thánh Tông (tức khu 19 Lê Thánh Tông bây giờ). Trước lúc điểm danh, tôi đứng chơi dưới vườn Tao đàn. Ngước nhìn lên cổng trường ngắm mãi dòng chữ "Trường Đại học Việt Nam" sao mà cảm thấy lâng lâng, hãnh diện. Gặp nhau buổi đầu còn bỡ ngỡ, làm quen còn rụt rè, nhưng thấy bạn hữu ai cũng "siêu" cả, không học sinh giỏi nhất, nhì Văn toàn miền Bắc (lúc đó miền Nam chưa được giải phóng) thì cũng đứng đầu hàng tỉnh…".
Cuối năm 1964 - đầu năm 1965, trong không khí sục sôi đánh Mỹ, thanh niên học sinh đua nhau viết đơn bằng máu tình nguyện xin vào Nam chiến đấu, hối hả luyện tập, tập trận giả, tập hành quân, báo động, đào hào, đào hầm… Một số thanh niên lớp ông lên đường vào Nam chiến đấu, một số "phải ở lại" để tiếp tục học tập - chuẩn bị hành trang tri thức phục vụ công cuộc xây dựng đất nước.
Ông thuộc nhóm thứ hai. Mái trường đại học đã chắp cánh cho ước mơ của ông. Ông được học Văn học - ngành mà ông hằng yêu thích. Ông đặc biệt say mê đọc, học thơ ca dân gian, truyện cổ dân gian, thơ Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, Tố Hữu… những hồn thơ thấm đậm chất dân gian. Ông học vào loại giỏi, lao động cừ, tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp và Đoàn thanh niên.
Năm 1967, với sự hướng dẫn của GS Đinh Gia Khánh, cậu sinh viên năm thứ tư Nguyễn Phú Trọng đã bảo vệ thành công khoá luận tốt nghiệp về đề tài: "Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu" với điểm tối ưu duy nhất của khoá đó. Cùng năm này (1967), ông vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, một điều rất hiếm đối với sinh viên thời bấy giờ.
Nhà trường có ý định giữ ông lại làm cán bộ giảng dạy. Ông cảm thấy rất vui và hồi hộp chờ đợi. Nhưng rồi thực tế lại diễn ra theo chiều hướng khác: ông được điều động về công tác tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) - cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông hoàn toàn bất ngờ và không khỏi băn khoăn, lo lắng, nhưng đã là đảng viên thì phải chấp hành sự phân công của tổ chức.
Ông bắt đầu sự nghiệp ở Tạp chí Học tập bằng việc đọc, phân loại, ghi phích, làm công tác tư liệu. Ông kể: "Thú thật là những ngày đầu tôi thấy nản vì công việc khô khan, đơn điệu. Tôi ngỏ ý muốn được làm công tác nghiên cứu và biên tập về lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhưng các đồng chí lãnh đạo trả lời là làm gì thì cũng phải làm tư liệu, bắt đầu từ tích luỹ kiến thức.
Tôi nghe thấy có lý và cố quen dần với công việc". Từ đó, cùng với việc làm tư liệu, ông đặt cho mình nhiệm vụ viết bài, bắt đầu từ những chuyên đề nhỏ. Thế rồi bài báo đầu tiên của ông đã ra đời sau hàng năm trời thai nghén, ấp ủ (Bài "Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu" đăng trên Tạp chí Văn học số 11.1968).
Được các đồng nghiệp trong tạp chí động viên, giúp đỡ tận tình, cộng với sự cầu thị, ham học hỏi, ông tiến bộ khá nhanh. Năm 1971, theo chủ trương chung, ông được cơ quan phái đi thực tế dài hạn (1 năm) ở xã Phú Lãm, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Ông ở nhà dân, ăn chung với dân, cũng "bám đội, lội đồng", tham gia lao động và sinh hoạt Đảng như một xã viên, đảng viên của xã.
Năm 1973, ông được cử đi học lớp nghiên cứu sinh Kinh tế chính trị tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Là học viên trẻ của Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ, nhưng ông đi học đúng vào thời điểm bố ốm nặng do bị tai biến mạch máu não, vợ mới sinh con, bản thân vừa mới phục hồi sức khoẻ sau một thời gian bị chảy máu dạ dày nên ông gặp không ít khó khăn.
Điều lý thú và bổ ích đối với ông lúc đó là được rảnh rang công việc, tập trung nghiên cứu trực tiếp các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin. Riêng bộ "Tư bản" ông đã được học, được nghiên cứu trong gần một năm. Đó là một dịp hết sức hiếm và quý để ông có thể tự trau dồi thêm kiến thức, lấy đó làm nền tảng cho sự nghiệp sau này.
Năm 1981, ông được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh, học tập và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô (thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô). Ông lại đứng trước một loạt khó khăn mới: ngôn ngữ mới, ngành học mới; làm sao trong hai năm vừa nghe giảng, vừa thi, hoàn tất phần minimum về Xây dựng đảng, vừa viết và bảo vệ luận án tiến sĩ.
Ông thực sự lo lắng và chẳng có cách nào khác là lại phải quyết tâm "trần lưng ra chịu trận". Cuối cùng ông đã đạt được kết quả xứng đáng với công sức bỏ ra: thi đỗ phần minimum với điểm tuyệt đối và là người đầu tiên của Khoa bảo vệ thành công luận án, trước thời hạn hai tháng.
Tháng 8/1983, ông về nước, tiếp tục công tác ở Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản. Được đề bạt làm Phó trưởng ban (tháng 10.1983), Trưởng ban (tháng 9.1987), Uỷ viên Ban biên tập (tháng 3.1989), Phó tổng biên tập (tháng 5.1990) rồi Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (tháng 8/1991).
Ông còn nhớ, hồi học phổ thông ông thích nghề làm báo chỉ đơn giản là do cảm tính, thấy "được bay nhảy", "được đi đây đi đó", nhưng càng về sau này, qua thực tế công việc, ông càng hiểu nghề báo đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và càng yêu nghề báo hơn.
Gần 30 năm công tác tại Tạp chí Cộng sản, GS Nguyễn Phú Trọng đã kinh qua nhiều công việc và đã viết, biên tập hàng trăm bài báo lý luận với nhiều thể loại khác nhau, từ xã luận, chuyên luận, bình luận, tiểu phẩm đến giới thiệu sách, giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn, phê phán các biểu hiện sai trái, tiêu cực… với tất cả sự trải nghiệm và tâm huyết của mình với nghề.
Ông bảo: "Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn. Nhà báo phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác. Những người làm ở tạp chí lý luận chính trị như Tạp chí Cộng sản càng phải có cố gắng lớn, quyết tâm cao và thực sự có lòng say mê, yêu nghề, ham học hỏi và đặc biệt là có một phương pháp làm việc đúng".
GS Nguyễn Phú Trọng đã gắn bó và có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển của Tạp chí Cộng sản, nhất là từ khi ông làm Phó tổng biên tập rồi Tổng biên tập, Tạp chí đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các bài viết đã bớt tính kinh viện, bám sát các vấn đề của cuộc sống, có thêm nhiều hàm lượng thông tin; nhiều bài viết đã đi sâu vào thực tiễn, phục vụ đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Năm 1992, ông được phong học hàm phó giáo sư và 10 năm sau, ông được phong học hàm giáo sư...
Ông được cán bộ và nhân dân Hà Nội quý mến, tin tưởng bởi trí tuệ, phong cách, tinh thần làm việc, tính khiêm nhường và sự nhạy bén linh hoạt trong giải quyết công việc của ông. Nhiều người đã gửi thư bày tỏ tình cảm, sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có cá nhân ông.
Những người cùng làm việc hoặc đã từng gần gũi GS Nguyễn Phú Trọng cho biết, ông sống rất giản dị, chân thành, tôn trọng, gần gũi anh em, đồng nghiệp, sâu sát thực tế, luôn lắng nghe ý kiến của quần chúng. Ông dường như chẳng có thời gian để nghỉ ngơi. Thứ bảy, chủ nhật ông "thư giãn" bằng cách đi cơ sở, xuống tiếp xúc với dân, khảo sát thực tế hoặc đi thăm bạn bè.
Báo chí đã kể nhiều về những chuyến đi của ông xuống tận địa bàn để tìm hiểu, kiểm tra và giải quyết những vấn đề khúc mắc, như: khu "xóm liều" Thanh Nhàn, khu xử lý rác thải Sóc Sơn, Công ty Vận tải xe buýt... những chuyến thăm viện dưỡng lão, trung tâm cai nghiện ma tuý, trung tâm bảo trợ xã hội, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn...
Ông là người có ý thức giữ gìn phẩm chất, đạo đức, không lợi dụng chức quyền để vun vén riêng tư cho cá nhân và gia đình. Đi làm, trưa ông vẫn thường ăn cơm ở nhà bếp tập thể cơ quan cùng anh em; những cuộc họp lớp gặp gỡ bạn cũ ông vẫn "mày tao chi tớ", sôi nổi như thủa sinh viên.
Ông thường bảo: "Con người ta mỗi người một số phận, hôm nay làm việc này, ngày mai có thể làm việc khác, sống với nhau cốt ở cái nghĩa, cái tình". Ông còn bộc bạch: "Tôi biết có nhiều việc mình chưa làm được, nhiều dự định chưa hoàn thành, trong công tác còn nhiều khuyết điểm; ở cương vị của người chèo lái, tuyệt đối không được phép chủ quan; trái lại phải cố gắng, nỗ lực hết mình mới có thể hoàn thành nhiệm vụ".
Năm 2000, cô Đặng Thị Phúc - giáo viên đã từng dạy GS Nguyễn Phú Trọng khi ông học lớp 4 - với tất cả tình cảm trìu mến, đã viết tặng ông bài thơ có đoạn:
"Ngờ đâu trò nhỏ năm nào
Nay thành cán bộ cấp cao giúp đời
Nhìn em như ngắm hoa tươi
Bõ công chăm sóc từ thời ấu thơ"
(Người trò nhỏ năm xưa)
Đó chính là hạnh phúc của "người lái đò" như cô giáo Đặng Thị Phúc và cũng là hạnh phúc của người học trò "qua sông" đang ngày đêm miệt mài, tận tụy đem sức mình đóng góp cho đất nước, cho quê hương như GS Nguyễn Phú Trọng!
Lưu Mai Anh (ĐH Quốc gia Hà Nội)