Sáng 15/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 1 thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Tại Hội nghị, cử tri đã nghe đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô) báo cáo về dự kiến nội dung kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. |
Tại hội nghị, các cử tri bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cử tri đánh giá rất cao công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Cử tri cũng bày tỏ tiếc nuối khi vừa qua nhiều cán bộ cấp Trung ương và nhiều công chức đã bị bắt để điều tra vi phạm pháp luật ở các lĩnh vực, ngành nghề. Đặc biệt, vụ đại án Việt Á khiến 100 người đã bị bắt là con số rất đau xót.
Cử tri Hoàng Minh Bần (phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường các giải pháp để kiểm soát quyền lực, bởi vẫn còn tình trạng cán bộ lạm quyền, lộng quyền, cơ quan cấp dưới ban hành những quy định vượt thẩm quyền, chưa phù hợp. Trong khi đó, cử tri Vương Hữu Phú (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) cho hay, thời gian qua, xảy ra một số vụ tham nhũng, tiêu cực kéo dài. Cử tri đề nghị nâng cao vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội hơn nữa. Các cử tri đánh giá, việc 7 Ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý khai trừ, cách chức, cho thôi giữ chức vụ trong hơn một năm qua được dư luận đánh giá rất cao…
Lắng nghe ý kiến cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, các ý kiến đều ngắn gọn, sâu sắc và sát thực tiễn. Đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, vừa qua, Trung ương đã xử lý rất quyết liệt vấn đề này. Những cán bộ vi phạm kỷ luật đều bị xử lý rất nghiêm khắc, nhất là cán bộ nắm trong tay quyền lực lại "bè cánh", "móc nối", "lợi ích nhóm" như ở tỉnh Hải Dương vừa qua.
Theo Tổng Bí thư, tại Hội nghị Trung ương 6 mới đây đã kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương ở mức cao nhất là cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, khai trừ Đảng. Cách thức xử lý đối với cán bộ vi phạm được Trung ương thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, rõ đến đâu làm đến đấy. Quy trình xử lý có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, thống nhất từ xử lý về mặt Đảng, chính quyền đến pháp luật. Với tinh thần giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe là chính để những người khác không vi phạm.
"Vì sự tiến bộ chung, vì để giáo dục người khác đừng đi vào vết xe đổ ấy, Trung ương buộc phải làm và yêu cầu các cấp cũng phải làm như Trung ương", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cho biết, Trung ương cũng vừa ra quy định rất mới về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Trong đó, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật từ chức hoặc chuyển sang công việc khác phù hợp hơn. Vừa qua, một số đồng chí đã chủ động xin rút không tham gia Ban Chấp hành Trung ương, xin từ chức.
Nhấn mạnh, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang còn tiếp diễn, Tổng Bí thư cho biết, những vụ trọng tâm, trọng điểm đang làm. "Những vụ từ cách đây nhiều năm rất ghê gớm, đều sẽ được đưa ra ánh sáng. Ai bao che, ai bỏ trốn rồi cũng sẽ bị xử lý", Tổng Bí thư nói, đồng thời lưu ý phải cảnh giác trước những thông tin do các thế lực cơ hội, phản động xuyên tạc về mục đích, ý nghĩa của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại Hội nghị Trung ương 6, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đây là bước tiến mới về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư mong muốn Hà Nội phải luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.