Đại dịch COVID tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế, khiến các DN quảng cáo ngoài trời, tổ chức sự kiện, hội chợ, triển lãm, cung ứng vật tư, thiết bị quảng cáo hầu như bị tê liệt theo. Gặp khó do đại dịch, nhiều doanh nghiệp đang cần những "phao cứu sinh" để tiếp tục vực dậy.
DN quảng cáo khóc ròng vì COVID-19
Trong hơn 2 năm hoành hành, dịch COVID-19 tác động lớn lên mọi doanh nghiệp, mọi lĩnh vực. Trong đó không thể không kể đến những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Nhiều doanh nghiệp nghiệp quảng cáo phải khóc ròng vì chịu nhiều tổn thất nặng nề.
Một đại diện của doanh nghiệp quảng cáo tại TP. HCM cho biết, dịch COVID-19 ập tới khiến cả doanh nghiệp của anh rơi vào bế tắc. Doanh nghiệp của anh vừa chỉ mới hoạt động, chưa kịp tiếp cận được nhiều tệp khách hàng thì đã phải chịu ảnh hưởng của dịch bệnh mà chi phí phát sinh thì ngày một càng tăng.
“Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp của tôi. Mọi hợp đồng quảng cáo đều bị yêu cầu cắt giảm chi phí chưa kể nhiều hợp đồng còn bị huỷ bỏ và khách hàng chấp nhận đền bù chi phí huỷ hợp đồng. Trong khi đó chi phí mặt bằng, nhân viên, thuế, chúng tôi vẫn phải trả đủ không thiếu đồng nào, người này bày tỏ.
Tương tự,chị Phạm Thị Quyên, Giám đốc công ty quảng cáo RED cho biết, cho đến hiện nay, công ty của chị đã giảm đến 80% khối lượng công việc. Không những không có hợp đồng kí mới mà những hợp đồng cũ giờ các đối tác cũng đang muốn hủy bỏ. Trong lúc đó, chị vẫn không thể cho nhân viên mình nghỉ việc, mà vẫn phải duy trì lương cơ bản để nhân viên còn có thể sống được qua mùa dịch.
"Ngoài việc thất thu vì dịch, lại còn phát sinh nhiều vấn đề, và vấn đề nào cũng phải mất tiền, nên doanh nghiệp thực sự mệt mỏi", chị Quyên than thở.
Theo nhiều doanh nghiệp quảng cáo khác trong nước, COVID-19 khiến họ tê liệt hoàn toàn. Hầu hết các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng giống nhau: các hợp đồng bị hủy bỏ hoặc tạm dừng, các khoản quyết toán với khách hàng bị chậm, trong khi tất cả các chi phí quản lý công ty vẫn phải trả, lương nhân viên vẫn phải chi. Các loại thuế phí vẫn phải thực hiện đầy đủ.
Tác động của COVID-19 gây ra những gián đoạn trong kinh doanh của các doanh nghiệp quảng cáo. Từ khi dịch bệnh xuất hiện, doanh thu giảm dần nhưng chưa lần nào phải kỳ vọng không thua lỗ nặng như đợt dịch này.
Bên cạnh đó, để có thể “sống sót” qua mùa dịch, việc cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quảng cáo,…là bắt buộc. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp quảng cáo phải “lao đao” khi mất đi nhiều hợp đồng.
Vượt khủng hoảng
Để tiếp tục duy trì và phát triển, bên cạnh ngành kinh doanh chủ lực, các doanh nghiệp quảng cáo còn tìm cách thay đổi phương thức kinh doanh và thói quen sinh hoạt để cầm cự qua mùa dịch.
Từ những chuyển đổi kiểu "liên hệ gần" như chuyển từ làm quảng cáo sang làm bộ đồ bảo hộ, bán các mặt hàng vật tư y tế cho tới những chuyển đổi tưởng như "chẳng liên quan" như kinh doanh thực phẩm, đều được các doanh nghiệp quảng cáo tận dụng triệt để.
Anh N.N.H - chủ một doanh nghiệp quảng cáo tại TP. HCM vẫn đang duy trì kinh doanh dịch vụ quảng cáo và tìm cách tiếp cận khách hàng thông qua hình thức online. Anh H. cho biết, trước việc các quy định mới về dịch bệnh cập nhật liên tục, anh sẽ theo sát để duy trì hoạt động trong các phạm vi còn cho phép, nhưng sẽ tập trung hơn cho việc chuẩn bị sau dịch.
"Chúng tôi đầu tư hơn về nội dung tương tác với khách hàng, đồng thời nghiên cứu thêm những xu hướng, công nghệ hiện đại mới để đặt mình vào tư thế sẵn sàng khi tình hình ổn định trở lại', anh H. cho biết thêm.
Nhiều doanh nghiệp quảng cáo vẫn tiếp tục kinh doanh theo nhiều hướng vừa tiếp tục duy trì hoạt động vừa bổ sung thêm nhiều nguồn lực để vực dậy sau đại dịch.
Trong thời gian tạm nghỉ hoạt động do dịch bệnh, giữ chân lực lượng lao động nòng cốt và nâng cao công nghệ là một trong những biện pháp được một số doanh nghiệp quảng cáo thực hiện để chống đứt gãy kinh doanh.
Bên cạnh việc cầm cự duy trì hoạt động, các doanh nghiệp quảng cáo cũng phủ "áo mới" cho doanh nghiệp của mình để có thể sẵn sàng trở lại sau khi có điều kiện.
Mặc dù các doanh nghiệp quảng cáo đang rất kiên cường, cố gắng không bỏ cuộc và quyết tâm không gục ngã, song để có thể “bật dậy” khi dịch được kiểm soát, họ cũng đang cần sự quan tâm, tiếp sức rất lớn từ ngành chức năng.
THẢO NGUYÊN