Tổn thất của châu Âu do từ chối khí đốt Nga lên tới 1 nghìn tỉ USD

19/12/2022 10:00

Theo Bloomberg, việc từ chối mua nhiên liệu xanh của Nga trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã khiến châu Âu tổn thất tới 1 nghìn tỉ USD.

Cụ thể, Bloomberg cho hay, con số đáng thất vọng là do giá điện tăng vọt đối với các công ty và người dân châu Âu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây mới chỉ là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng năng lượng mạnh mẽ bao trùm châu Âu trong những thập kỷ gần đây.

Bloomberg giải thích rằng vào cuối mùa đông, các cơ sở lưu trữ khí đốt phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn năng lượng và sẽ rất khó để bổ sung chúng theo khối lượng cần thiết khi nguồn cung cấp nhiên liệu xanh từ Nga là không đáng kể.

Ngoài ra, Bloomberg cũng tin rằng giai đoạn khủng hoảng trong lĩnh vực năng lượng châu Âu sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2026. Sau đó, theo các nhà phân tích, Qatar và Mỹ sẽ có thể ổn định việc khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Việc từ chối khí đốt của Nga do tình hình xung quanh Ukraine đã khiến châu Âu thiệt hại lớn. (Ảnh: AP)

Bjarne Schieldrop, nhà phân tích tại Skandinaviska Enskilda Banken (SEB), được Bloomberg trích dẫn cho biết: “Cuộc chạy đua bổ sung dự trữ khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu”.

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng vị thế thuận lợi cho những người bán nhiên liệu xanh sẽ kéo dài trong khoảng 1 năm, nếu không muốn nói là lâu hơn.

Đồng thời, các chuyên gia của Bloomberg lập luận trong trường hợp giá khí đốt ở EU tăng vọt lên 210 euro/MWh, thì châu Âu sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng thay vì kinh tế suy giảm.

Trước đó, hôm 13/12, các Bộ trưởng EU vẫn không thể đạt được đồng thuận cuối cùng về việc áp giá trần khí đốt của Nga trên toàn khối, mặc dù đã thu hẹp được một số bất đồng nhất định.

Theo yêu cầu của một số quốc gia, Ủy ban châu Âu đã đề xuất trần giá khí đốt là 275 euro (khoảng 292 USD) mỗi megawatt giờ hồi tháng trước.

Biện pháp này nhằm đối phó với biến động kinh tế do bị Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu trong năm nay - nguyên nhân khiến giá năng lượng tăng đột biến.

Phát biểu sau cuộc họp kéo dài nhiều giờ tại Brussels, Bỉ ngày 13/12, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết: “Chúng tôi đã đạt được tiến bộ, nhưng chưa đạt thỏa thuận cuối. Không phải tất cả các vấn đề đều có thể được giải quyết hôm nay".

Các quốc gia EU vẫn chia rẽ về chi tiết của biện pháp áp trần giá khí đốt, khiến cuộc họp hôm 13/12 không thể đi đến thỏa thuận cuối cùng. Các bộ trưởng năng lượng EU dự kiến sẽ họp lại vào ngày 19/12 để tiếp tục thảo luận.

Bộ trưởng Công nghiệp Czech Jozef Sikela, người chủ trì cuộc họp, cho biết ông có cảm giác rằng các nước có thể đạt đồng thuận vào tuần tới về mức giá trần, vấn đề duy nhất chưa được giải quyết.

Một số quốc gia, bao gồm Đức, Áo và Hà Lan lo ngại việc áp trần giá khí đốt có thể khiến hoạt động năng lượng bị gián đoạn và khiến khí đốt không còn được bán cho châu Âu.

Trong khi các nước khác, bao gồm Hy Lạp, Bỉ, Italy và Ba Lan lại cho rằng, áp trần giá khí đốt có thể sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao.

Giá nhiên liệu tại châu Âu hiện vẫn ở mức cao đang làm dấy lên lo ngại rằng các hộ gia đình và doanh nghiệp tại châu Âu có thể đối mặt với tình trạng mất điện hoặc không thể thanh toán các hóa đơn năng lượng.

Hòa Bình (lược dịch)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tổn thất của châu Âu do từ chối khí đốt Nga lên tới 1 nghìn tỉ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO