Được coi là một loại đặc sản địa phương, từ tháng bảy đến tháng chạp âm lịch, tôm chì vào mùa đánh bắt tại vùng thủy sản nước lợ Nhơn Trạch.
Theo người dân xứ Nhơn Trạch, mỗi khi mưa về, trời trở trời thì tôm cá sẽ ngôi lên mặt nước. Chỉ với những phương tiện thô sơ đánh bắt ở các sông, rạch… người dân Nhơn Trạch lại hào hứng với những mẻ lưới đầy ắp tôm cá, đặc biệt là vào mùa nước rong. Nơi đây, các loại tôm thiên nhiên đều có thể làm chua, nhưng ngon nhất và có giá nhất là tôm chì. Khác với tôm sú hay tôm bạc, tôm chì có đặc điểm mình thuôn dài, vỏ màu nâu và mềm, thịt chắc và ngọt. Khi sống, thịt tôm trong veo còn khi chín chuyển màu đỏ.
Kinh nghiệm làm tôm chua của người dân xứ Nhơn Trạch là tôm phải lựa chọn loại tôm chì, còn tươi, to đều, nhặt bỏ đầu, chân, chỉ đen trên lưng; rửa sạch tôm với nước muối pha loãng, sau đó rửa thêm một lần với rượu trắng để khử mùi tanh; tôm sau đó đem trộn đều với tỏi và ớt băm nhuyễn, cho vào hũ sành rồi đổ nước đường, mắm đã thắng chín để nguội cho ngập con tôm. Tôm được đem phơi nắng sớm mai khoảng 1 tuần hoặc để trong nhà 2 tuần rồi đem thay nước mắm đường mới, mục đích để tôm đằm vị, không bị khé cổ hay chua quá khi ăn.
Hiện nay món tôm chua vùng nước lợ này đã có mặt ở nhiều tỉnh thành lân cận, có người còn mang ra nước ngoài để thưởng thức và nhớ đến mùi vị đặc biệt của đặc sản vùng nước lợ Nhơn Trạch xứ Đồng Nai. Tôm chì ngâm chua Long Thọ thuyết phục người ăn bằng sự chắc nịch của thân tôm, mùi nước mắm ngon và mùi tỏi ớt thoang thoảng…