Ngày 27-6, tàu USS Ronald Reagan của Mỹ tiếp tục đón các vị khách Việt lên thăm. Sau khoảng 20 phút đi tàu từ cảng Tiên Sa, khi bước lên con tàu hơn 100.000 tấn, mọi người đều cảm nhận được ngay sự vững chãi dưới chân thay cho cảm giác tròng trành.
Xem thêm: Khám phá sức mạnh tàu sân bay Mỹ sắp sang thăm Việt Nam
Trong sáng 27-6, khách được đến thăm khoang chứa máy bay và mặt boong tàu, cả hai khu vực đều để nhiều loại tiêm kích và trực thăng. Khách tham quan được tự do chụp ảnh, quay phim nhưng không được chạm hay leo lên máy bay do đây vẫn là các chiến đấu cơ còn hoạt động trong biên chế.
Trên boong tàu, mọi người được nghe giới thiệu về cách cất cánh, hạ cánh của máy bay từ tàu sân bay. Mọi thắc mắc đều được một phi công Mỹ đang trực tiếp lái tiêm kích trên tàu USS Ronald Reagan giải đáp.
Dường như để tạo bất ngờ cho khách tham quan, ban tổ chức đã bố trí hai thủy thủ gốc Việt đón đoàn.
Trong số hơn 5.000 thủy thủ trên tàu USS Ronald Reagan, có nhiều người gốc Việt. Chuyến thăm lần này như một cơ hội để họ trở về cội nguồn. Hai thủy thủ ở độ tuổi đôi mươi là Đoàn Nhật Huyền Trân và Carlos Nguyễn đã có cuộc trò chuyện ngắn cùng Tuổi Trẻ.
Mới 28 tuổi nhưng đã có tám năm phục vụ trong hải quân Mỹ, đây là lần thứ ba Carlos Nguyễn đến Việt Nam. "Lần đầu tiên khi tôi còn rất nhỏ. Lần thứ hai là khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thăm Việt Nam tháng 3-2020. Đây là tàu sân bay thứ hai tôi phục vụ và cả hai tàu này đều đã tới Việt Nam", anh cho biết.
Mặc dù đã đến Việt Nam ba lần, Carlos cho biết bản thân vẫn rất háo hức vì được hòa mình vào văn hóa nguồn cội. Công việc chính của anh là đảm bảo cho các thiết bị cơ khí hàng không hoạt động hiệu quả. "Tôi tự hào vì là người Việt trên tàu sân bay Mỹ", Carlos Nguyễn chia sẻ.
Còn Đoàn Nhật Huyền Trân (23 tuổi) đã làm việc cho hải quân Mỹ được hai năm. Quê Trân ở Nha Trang, từ nhỏ đã thích làm việc trên tàu biển nhưng cô chưa bao giờ nghĩ sẽ được làm việc trên tàu sân bay.
Chia sẻ thêm về công việc trên tàu sân bay USS Ronald Reagan, Huyền Trân cho biết mình đang làm vai trò của một kỹ thuật viên hỗ trợ thiết bị hàng không.
"Công việc của em là bảo dưỡng và sữa chữa các thiết bị, dụng cụ di chuyển máy bay trên tàu cùng nhiều thiết bị khác để hỗ trợ các bộ phận sửa chữa máy bay", cô thủy thủ sinh năm 1999 giải thích thêm.
Trong buổi đón khách ngày 27-6, Huyền Trân trở thành tâm điểm chú ý vì nụ cười luôn nở trên môi, chăm chú lắng nghe và giải đáp các thắc mắc bằng tiếng Việt rất rành rẽ. Cô bạn cho biết rất vui khi được trở lại Việt Nam với tư cách là một thủy thủ trên tàu sân bay Mỹ.
Huyền Trân cũng thổ lộ bản thân rất bất ngờ nhưng thấy vui khi được nhiều người biết đến. Cô bạn cũng khiêm tốn cho biết công việc của mình trên tàu sân bay "không có gì quá đặc biệt".
Cô thủy thủ sắp đón tuổi 24 cũng gửi lời cảm ơn mọi người vì đã dành sự chú ý cho mình và chia sẻ thêm là trên USS Ronald Reagan cũng còn nhiều người gốc Việt khác.
Nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan thăm Đà Nẵng từ ngày 25 đến 30-6. Đi cùng còn có hai tuần dương hạm hộ tống. Tàu sân bay dài hơn 330m, rộng 76m, lượng choán nước hơn 100.000 tấn. USS Ronald Reagan là nhà của hơn 5.000 người, gồm thủy thủ và các phi công hải quân. Tàu có thể chở 90 máy bay các loại, chủ yếu là tiêm kích F/A-18.