Tôi theo mẹ đi tảo mộ ông bà!

An Nhiên | 29/01/2024 17:00

“Cái gì bán hổng ai mua, cái gì mua hổng ai bán, đợi đến mùa sửa soạn”, bạn biết đáp án rồi chứ, ngôi mộ đấy. Những ngày cuối năm, các gia đình tảo mộ (ở nhiều nơi còn gọi là dẫy mả như quê tôi) để rước ông bà về đón Tết.

Xem thêm: Tảo mộ cuối năm: Điều kiêng kỵ và những việc cần làm

Xem thêm: Tảo mộ ngày Tết: Xin đừng quên nét đẹp văn hoá của người Việt

Từ ngày còn nhỏ, vào những ngày cuối năm, tôi theo mẹ ra mộ ông bà để cùng dọn dẹp cỏ dại, vun lại những nấm mộ, trồng những chậu cây xinh tươi và cắm bó hoa tươi lên mộ. Mẹ nói tảo mộ cuối năm còn là dịp để gia đình, con cháu sum vầy, ôn lại những k niệm về người đã khuất.

phunu.jpg
Tục tảo mộ có từ nhiều đời nay. Ảnh: Baophunu

Vừa nhổ cỏ quanh mộ bà ngoại, mẹ tôi bắt đầu nhớ lại ngày ấu thơ. Mẹ kể bà ngoại ngày đó có mái tóc dài đẹp lắm, bà lại xinh gái nhất nhà nên được ông ngoại và những gã trai trong thôn theo đuổi. Mẹ nói không hiểu sao bà lại đồng ý lấy ông ngoại, khi ông có bà mẹ khó tính còn những cô em gái chảnh choẹ.

Rồi ngoại mất sớm, mẹ phải chịu đựng 2 cô ruột tính cách “như bà chằn”. Nhưng rồi mấy chị em mẹ cũng lớn lên trong sự dạy dỗ, dù có phần khắt khe, của ông ngoại và các bà. Tôi hỏi mẹ, bà ngoại mất năm mẹ lên 7, mẹ còn nhớ nhiều về gương mặt bà không. Mẹ nheo mắt rồi nói mẹ sống gần một đời người rồi, không dễ gì để lục tìm ký ức về những đường nét của ngoại. Nhưng mẹ vẫn nhớ hoài mái tóc dài đen mượt, nhớ cách bà dịu dàng chăm sóc những đứa con.

Trong trí nhớ của tôi, mẹ chưa một lần để ai làm thay việc dẫy mả ngoại mỗi năm. Dù các cậu bên ngoại thường bảo mẹ ở nhà nghỉ, để các cậu dẫy mã ông bà rồi sẵn tiện chăm sóc phần mộ của bà ngoại. Nhưng mẹ đều từ chối. Mẹ muốn đích thân chăm lo mộ phần của ngoại, và cả người chị đã mất từ thuở lên 2 của tôi.

th.jpg
Con cháu thường theo cha mẹ, người lớn trong nhà đi tảo mộ. Ảnh: VTC News

Và dù chị em tôi ngày bé chẳng làm được gì ngoài việc vui đùa, mẹ vẫn muốn chúng tôi có mặt. Mẹ sẽ kể chuyện của bà ngoại, nhưng ít khi mẹ nhắc đến chị gái xấu số của tôi.

Tôi thích phần mộ của bà ngoại và chị gái lúc được đặt trên bãi cát trắng có thể nghe mùi biển mặn trong những cơn gió chiều. Nhưng khi ông ngoại mất, mẹ cũng dời mộ bà ngoại lên nghĩa địa cho ông bà được nằm gần nhau. Chỉ còn lại mộ chị, mẹ chưa muốn dời đi, tôi không hiểu lý do, nhưng tôi thích được lên đó tảo mộ hơn, nên chưa một lần hỏi mẹ.

Mẹ khéo tay lắm, nên phần mộ của chị luôn tươm tất. Mẹ vun xới đất rồi đắp lên mộ những nắm cỏ xanh. Tôi đặt lên mộ chị cánh hoa tươi. Tôi không biết liệu chị có thích hoa không, bởi chị đang nằm bên những hàng dương xỉ và tiếng sóng biển rù rì. Nhưng mỗi lần tảo mộ, tôi đều đem theo những cánh hoa, bởi tôi muốn ở một nơi nào đó chị cũng luôn được xinh tươi, rực rỡ.

yht.jpg
Những ngôi mộ được dọn dẹp tinh tươm. Ảnh: Dân Trí

Sáng sớm mùng 1 mỗi năm, mẹ lại lên mộ chị thêm lần nữa. Mẹ nói lên đón ông bà và chị về nhà đón Tết. Rồi khi về nhà, mẹ lại tất bật nấu nướng với những nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn đêm 30 để làm mâm cổ đón gia tiên.

Nhưng Tết năm nay tôi không về ăn Tết với gia đình. Tất nhiên, mẹ không vì thiếu tôi mà không đi tảo mộ. Em trai tôi sẽ theo mẹ lên mộ của chị. Mẹ lại cầm theo cái xẻng, con dao để dọn cỏ dại và những cánh hoa tôi đã dặn trước.

Tôi biết mẹ sẽ buồn lắm. Mẹ vẫn lại dọn dẹp phần mộ cho chị và sẽ lại nói chuyện, dù không biết em trai tôi có lắng nghe không. Ở tuổi xế chiều, tôi không biết mẹ nghĩ gì trong những lần đi tảo mộ. Nhưng nghĩ đến hình ảnh mẹ chăm chút cho phần mộ của chị, tôi không thể ngăn được giọt nước mắt.

hmg.jpg
Tục tảo mộ được truyền từ đời này sang đời khác. Ảnh tư liệu

Dù mẹ chưa một lần nói, chúng tôi đều biết mẹ không muốn gia đình lãng quên một ai cả. Mẹ muốn chúng tôi nhớ về bà ngoại trong sự hiền hậu, nhân từ và mái tóc dài đen mượt của bà. Ông ngoại vốn nghiêm nghị nhưng luôn che chở chúng tôi mỗi khi bị mẹ mắng. Và đặc biệt là chị gái mà tôi chưa được nhìn thấy mặt phút nào, mẹ luôn cất giữ một chỗ cho chị trong gia đình này. Chúng tôi sẽ cùng gìn giữ.

Sài Gòn vẫn luôn nhộn nhịp trong những chiều cuối năm. Nhưng tôi bắt đầu rưng rưng và một chút chạnh lòng khi nghĩ về mẹ. Có lẽ mẹ sẽ chạnh lòng và buồn hơn cả tôi. Nhưng ở đây tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ quên ngày tảo mộ. Năm sau và nhiều năm sau nữa, tôi sẽ theo mẹ đi tảo mộ. Tôi sẽ làm việc đó đến hết đời này.

Bài liên quan
  • Bồi hồi với bộ ảnh ‘Trung thu quê em’
    Bộ ảnh “trung thu quê em” của anh Lê Đình Hoàng (ngụ tại thôn La Chữ, Hương Chữ, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) khiến người xem không khỏi bồi hồi nhớ về những ký ức trung thu thời xưa…
  • Làm từ thiện có cần báo danh?
    Tài khoản mạng xã hội của một “người của công chúng” mới đây đăng câu nói: “Nếu anh muốn giúp đỡ người vô gia cư, thì hãy giúp đỡ. Nhưng khoảnh khắc anh đăng tải việc đó lên mạng xã hội, anh cũng đang nuôi dưỡng cái tôi của mình”.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tôi theo mẹ đi tảo mộ ông bà!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO