Tôi sẵn sàng phạt con: Thà để con khóc trước mặt mình, còn hơn sau này phải quỳ gối trước thiên hạ!

05/10/2021 13:30

Sinh con ra, bố mẹ nào chẳng muốn con mình được yêu thương chiều chuộng cả đời. Thế nhưng, nếu mình là “mẹ hổ” mà chiều chuộng con như một con nai, thì kiểu gì con cũng sẽ bị xã hội “ăn thịt” trong chớp mắt.

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội và báo chí ầm ĩ chuyện nếu dạy con mà không đánh phạt thì con chẳng thể nên người. Nhiều người phản đối cực lực quan điểm dùng kỷ luật cứng rắn để dạy bảo con, bởi lẽ, xu hướng giáo dục thời nay là "làm bạn và đồng hành cùng con", để con được thể hiện thoải mái cá tính của mình, bộc lộ quan điểm và kéo gần khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái.

Chính vì thế, tôi đã từng đến chơi nhiều gia đình, và ngạc nhiên trước hành xử cũng như lời nói của các cô cậu bé. Trưa trật trưa trời, trong lúc bố mẹ đang hùng hục nấu cơm dọn nhà, con gái con trai vẫn đang ngủ nướng vì "Tối qua cháu nó học muộn quá". Có kiểu bố mẹ nhờ làm gì cũng nguây nguẩy lắc đầu, sẵn sàng cãi tay đôi, to tiếng với bố mẹ khi bất đồng quan điểm. Lại có kiểu "bánh bèo thái quá" không kể giới tính, gặp chuyện to chuyện nhỏ không vừa ý là chạy về đòi hỏi cha mẹ "xù lông nhím" giải quyết giùm. Học hành làng nhàng, cư xử tự tung tự tác dường như là "điểm chung" của các con cái trong các gia đình kiểu này.

Tôi sẵn sàng phạt con: Thà để con khóc trước mặt mình, còn hơn sau này phải quỳ gối trước thiên hạ!-1


Sinh con ra, chúng ta ai mà chẳng mong con mình được êm ấm trong nhung lụa bình yên cả đời. Thế nhưng, kể cả khi con được sinh ra trong một gia đình khá giả với kinh tế đủ đầy hay trong một gia đình bình thường thường trực nỗi lo gạo tiền cơm áo, thì tương lai cũng là điều không thể chắc chắn, rồi con kiểu gì cũng phải đối mặt với những thử thách riêng. Và sẽ ra sao khi đứng trước những thử thách chông gai của cuộc đời, con không được cha mẹ trang bị đủ bản lĩnh để vượt qua?

Nói không ngoa, con người chúng ta sinh ra với vị thế như những con hổ. Những con hổ không phải tập chạy ngay lập tức như những con nai, mà được nuôi nấng từ tốn và rất cẩn thận. Chúng được mẹ hổ chăm sóc chu đáo những ngày sơ sinh, nhưng đến tuổi, hổ con được học cách sinh tồn một cách kỹ lưỡng. Đàn con tuân thủ kỷ luật, chăm chỉ rèn luyện các kỹ năng, coi cha mẹ là "thủ lĩnh" và tôn trọng tuyệt đối. Nếu làm sai, chúng cũng sẽ "xơi" những cú táp "cảnh cáo" không hề nhẹ nhàng từ mẹ.

Thử nghĩ xem, nếu con cái chúng ta là hổ con nhưng lại được nuôi nấng chiều chuộng, không có kỷ luật, không rèn giũa cẩn thận, kiểu gì con cũng sẽ bị xã hội khắc nghiệt này "ăn thịt" khi trưởng thành.

Trong khi có rất nhiều bố mẹ cho rằng việc nuôi dạy con trẻ bằng "kỷ luật thép" là quá hà khắc thì có một thực tế không thể phủ nhận là một số lượng lớn những con người thành đạt đã được giáo dục bằng phương pháp này.

Giáo sư luật Đại học Yale - bà Amy Chua (tác giả cuốn sách nổi tiếng "Khúc chiến ca của mẹ hổ") cho rằng các bậc cha mẹ phương Tây với cách giáo dục đề cao tính tự trọng và tự do ngôn luận đã khiến con cái họ "cam tâm" làm những kẻ tầm thường.

Bà Chua thẳng thắn thừa nhận bà luôn dùng biện pháp mắng mỏ, đánh đòn, làm con xấu hổ khi chúng chưa đạt điểm cao. Bà luôn có "tinh thần thép" để không thỏa hiệp trước ý thích của con cái bởi vì trong mọi lĩnh vực, muốn có được kết quả tốt, ta phải chăm chỉ rèn luyện, trong khi bọn trẻ không bao giờ tự giác chăm chỉ cả.

Tôi sẵn sàng phạt con: Thà để con khóc trước mặt mình, còn hơn sau này phải quỳ gối trước thiên hạ!-2


Bà đưa ra 10 nội quy và buộc con cái phải noi theo như "Cấm con qua đêm ở nơi không phải nhà mình, cấm xem phim, cấm chơi game, không được oán trách vì những điều bị cấm, phải đạt điểm cao nhất trong các bài kiểm tra, chỉ được chơi piano và violon…" Đương nhiên, các con của bà cũng thường xuyên phản ứng nổi loạn trước các quy định hà khắc của mẹ. Thế nhưng, bà bỏ ngoài tai mọi thái độ dằn dỗi và yêu cầu con phải thực hiện đúng kỷ luật mình đặt ra.

Cuối cùng, 2 con của bà đều đã trưởng thành và theo học tại trường đại học Harvard danh giá bậc nhất tại Mỹ. Họ đều có khả năng thích nghi tốt với xã hội và chia sẻ với truyền thông rằng "sẽ nuôi dạy con cái sau này theo cách mà mẹ đã dạy họ".

Điều đặc biệt là, trái với lo nghĩ của nhiều người rằng 2 cô con gái sẽ có những kí ức buồn bã vì sự quản lý chặt chẽ của mẹ. Nhưng không, kỷ luật không có nghĩa là không yêu thương. Trong kí ức của 2 cô con gái, họ thường xuyên nhắc tới những tiếng cười khúc khích trong giờ cơm tối, và sự động viên tin tưởng của cha mẹ: "họ đã mong đợi nhiều ở tôi vì họ tin tôi có thể làm được những điều đó".

Sự quản thúc và nuôi dạy nghiêm khắc này không kéo dài mãi mãi. Khi các con vào Đại học, bà Chua hầu như không quản lý con mình, bà nói rằng nhiệm vụ của bà đã được hoàn thành. Các cô con gái của bà là nỗi ghen tị của hàng xóm và bạn bè, vì tư thế đĩnh đạc và những thành tựu âm nhạc, thể thao, học tập mà chúng đạt được.

Tôi sẵn sàng phạt con: Thà để con khóc trước mặt mình, còn hơn sau này phải quỳ gối trước thiên hạ!-3


Sự nghiêm khắc của cha mẹ dù có thể khiến con cái rơi nước mắt, nhưng thật sự mang lại nhiều lợi ích cho con trong tương lai. Sự nghiêm khắc đó như một sự "tập dượt" để con quen với áp lực cuộc sống và có đủ bản lĩnh đối mặt với mọi khó khăn khi trưởng thành. Khi trang bị đủ kiến thức và bản lĩnh, con sẽ tự tin đối mặt với bất cứ điều gì với tâm thế vững vàng, không "ngã quỵ" trước bất cứ điều gì. Chỉ cần cha mẹ biết mình đang làm gì, có sự hoạch định mục tiêu, định hướng rõ ràng, hành động xuất phát từ tình yêu chứ không bộc phát từ cảm xúc nhất thời.

Cha mẹ cũng có thể lập kế hoạch cho con, linh hoạt điều chỉnh theo sự phát triển từng giai đoạn. Để con luôn hiểu rằng, dù con có trưởng thành đến đâu, mạnh mẽ thế nào, gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc, là nơi để con trở về tìm kiếm lời khuyên và sự che chở trước những "bão giông" của cuộc đời.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tôi sẵn sàng phạt con: Thà để con khóc trước mặt mình, còn hơn sau này phải quỳ gối trước thiên hạ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO