Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2015 - 2019, toàn quốc đã khởi tố 10.360 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với 11.410 bị can, chiếm đoạt số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Con số này tương đương với khoảng hơn 2.000 vụ án/năm. Tuy nhiên, trước những tác động của dịch Covid-19 cùng những khó khăn về kinh tế - xã hội, từ ngày 25-5-2020 đến 24-5-2021, toàn quốc phát hiện hơn 5.400 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Các thủ đoạn lừa đảo truyền thống thường được các đối tượng thực hiện như giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, người nhà lãnh đạo cấp cao để lừa xin việc làm, "chạy chức", "chạy án", xin dự án, vay vốn tổ chức, cá nhân nước ngoài; kêu gọi đầu tư, tài trợ vào các công ty, dự án, chương trình, các quỹ, lừa làm các thủ tục đưa người đi du lịch, du học hoặc đi làm việc ở nước ngoài; làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý, cây cảnh, lan đột biến... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh, các đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với phương thức tinh vi, đa dạng về cách tiếp cận nạn nhân; nhiều vụ có số lượng lớn bị hại tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước.
Các thủ đoạn điển hình như sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu bị hại nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt... vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt; giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án, vụ việc đang giải quyết, đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền hoặc khai thác thông tin tài khoản ngân hàng của bị hại, từ đó đăng nhập vào tài khoản của bị hại, chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt; chiếm quyền quản trị (hack) hoặc giả lập các tài khoản mạng xã hội của người dân rồi nhắn tin, lừa gạt người thân quen của chủ tài khoản chuyển tiền sau đó chiếm đoạt.
Bên cạnh đó, chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng để tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng "mồi nhử" là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư, kinh doanh tiền ảo, ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option)... theo mô hình đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản.
Hay như việc lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến, trên mạng xã hội, nhất là mua bán các mặt hàng như khẩu trang, thiết bị y tế trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn ra... để lừa đảo chiếm đoạt tiền của đối tác mua, bán hàng hoặc giả danh nhân viên y tế mời gọi người dân mua thuốc phòng dịch hoặc cung cấp dịch vụ xét nghiệm, tiêm vaccine, cung ứng vật tư phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu người dân đóng tiền rồi chiếm đoạt; hoặc thủ đoạn đăng thông tin giả mạo về các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền huy động được.
Về nguyên nhân, theo Bộ Công an, những tác động của tình hình kinh tế, xã hội đến đời sống nhân dân, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp kéo theo các vấn đề về an sinh xã hội là một trong các nguyên nhân làm gia tăng tội phạm và phức tạp về an ninh trật tự, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguyên nhân quan trọng khác là một bộ phận quần chúng nhân dân nhẹ dạ, cả tin, hám lợi, mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, các quy định pháp luật trên một số lĩnh vực có liên quan còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, không gian mạng, đất đai, công chứng... còn tồn tại sơ hở, thiếu sót. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội còn chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Cấp ủy, người đứng đầu một số địa phương còn chưa quyết liệt trong chỉ đạo phòng ngừa, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một số văn bản hướng dẫn thực hiện chậm được ban hành để thống nhất thực hiện, như hướng dẫn về "nơi xảy ra tội phạm," "nơi phát hiện tội phạm" để xác định thẩm quyền điều tra đối với các vụ án, vụ việc mà đối tượng phạm tội chiếm đoạt tiền của bị hại thông qua dịch vụ chuyển tiền nhanh E-banking, ví điện tử...
Hành lang pháp lý quy định về tiền "ảo", tiền kỹ thuật số và các hình thức giao dịch liên quan tiền "ảo", tiền kỹ thuật số chưa được ban hành. Các quy định về dịch vụ mạng Internet, mạng viễn thông, dịch vụ ngân hàng tạo thuận lợi cho nhân dân đăng ký, sử dụng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng cũng là điều kiện để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động và đối phó với sự phát hiện, đấu tranh của cơ quan chức năng.
Trên không gian mạng, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản hầu hết đều có sự hiểu biết về công nghệ thông tin, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng đa dạng và chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch để thực hiện hành vi phạm tội, thường xuyên thay đối thông tin cá nhân, số điện thoại, sử dụng tài khoản "ảo", thay đổi địa bàn hoạt động gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh. Trong khi nhận thức nói chung và sự am hiểu về công nghệ nói riêng của người dân còn hạn chế, nhất là tầng lớp người trung và cao tuổi, hưu trí, người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Trước thực trạng trên, Bộ Công an ban hành kế hoạch, tổ chức triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc vận hành có hiệu quả đường dây nóng, tiếp nhận đầy đủ, phân loại giải quyết kịp thời, đúng pháp luật 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; làm tốt công tác nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, thu thập tài liệu, chứng cứ, điều tra khám phá nhanh, xử lý nghiêm các vụ án liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo với những thủ đoạn tinh vi, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.