Phí phạm quá!
Gần chục năm trước, người dân tỉnh Hà Nam từng ngập tràn niềm vui khi Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 cùng lúc khởi công xây dựng trên địa bàn thành phố Phủ Lý. Thế nhưng, sau khi khánh thành, cả 2 bệnh viện lại rơi vào cảnh bỏ không, đến nay vẫn không phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Trong mắt người dân nơi đây, bệnh viện không còn khang trang, sạch sẽ và hiện đại như tưởng tượng năm xưa. Thay vào đó, hình ảnh nhếch nhác, hoang tàn của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã in sâu trong tâm trí của họ, để rồi nhiều người phải thốt lên "phí phạm quá".
Chị Bùi Thị Hường - trú tại thôn Khê Lôi, xã Liêm Tiết, TP.Phủ Lý xót xa cho rằng, đó không chỉ là sự phí phạm về ngân sách nhà nước mà còn "phí phạm lòng tin của người dân".
"Gần chục năm trước, hơn 25 hộ dân nơi đây đã đồng loạt nhường nhà đất, sẵn sàng nhận mức đền bù thấp để phục vụ xây dựng bệnh viện. Chúng tôi hồ hởi, mong chờ ngày được đặt chân vào bệnh viện khang trang gần nhà để thăm khám, không phải cơm đùm cơm nắm lên Hà Nội chữa bệnh. Niềm vui đã đến khi tháng 3.2019, Bệnh viện Bạch Mai chính thức hoạt động.
Chưa được bao lâu, tháng 3.2020, bệnh viện lại khóa trái cửa, dừng tiếp nhận bệnh nhân. Thời gian đầu còn ngơ ngác hỏi nhau "bao giờ bệnh viện mở cửa?", lâu dần, chúng tôi mặc định đây là bãi đất hoang" - chị Hường nhớ lại.
Xót xa nhìn qua bãi đất mọc cỏ um tùm, cao quá đầu người, anh Trương Quốc Đạt - người dân từng nhường 5 sào đất (đất ở và đất nông nghiệp) cho bệnh viện chia sẻ, số tiền được đền bù không đủ mua đất xây nhà. Hiện tại, ruộng mất, nhà xây xong còn nợ tiền, gia đình anh rơi vào cảnh khốn khó.
"Tôi nhường nhà, nhường đất mong ngày bệnh viện mở cửa, giờ bỏ hoang phí phạm. Nhiều hộ dân ở đây mất ruộng, đành phải kiếm kế sinh nhai, người bỏ đi nơi khác làm ăn, kẻ bám trụ lại như tôi thì tìm đủ mọi việc. Nhiều năm qua, vợ chồng tôi trải qua hàng chục công việc, từ phụ hồ, xây dựng, làm công ty, làm giúp việc, bưng bê, dọn dẹp... rồi hiện tại là cắt tỉa cây cảnh.
Mong muốn lớn nhất là bệnh viện sớm đi vào hoạt động để phục vụ người dân. Nhiều hộ dân cũng có nguyện vọng kinh doanh buôn bán để kiếm đồng ra đồng vào, nhưng gần chục năm nay ước mơ không thể thành sự thật, ruộng vườn thì không còn để mà cày cấy" - anh Đạt thở dài.
Sau khánh thành, bệnh viện để không, lúc "thả vịt", khi "cho bò vào ăn cỏ"
Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại thành phố Phủ Lý (Hà Nam) đồng khởi công xây dựng vào cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Sau gần 2 năm chậm tiến độ, đến tháng 3.2019, phòng khám Bệnh viện Bạch Mai mới chính thức đón tiếp bệnh nhân vào khám chữa bệnh. Tuy nhiên, sau gần một năm đi vào hoạt động, ngày 30.3.2020 bệnh viện thông báo tạm thời dừng hoạt động. Từ đó đến nay vẫn trong tình trạng "cửa đóng, then cài".
Còn khu khám bệnh thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 được khánh thành vào tháng 10.2018. Thế nhưng chỉ tạm dừng ở “cắt băng khánh thành” mà chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.
Sinh sống và làm việc gần khu vực Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2, anh Phan Minh Trí (phường Trần Hưng Đạo, Phủ Lý) xót xa khi được hỏi về "công trình nghìn tỉ" này.
Theo anh Trí, dự án được kỳ vọng sẽ giúp người dân được tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại khu vực Hà Nam và các tỉnh lân cận, giảm tải cho cơ sở chính của hai bệnh viện. Tuy nhiên đến nay, bệnh viện chưa một lần đón tiếp bệnh nhân, bỏ hoang đã hơn 4 năm ròng.
"Mang tiếng có bệnh viện gần nhà, nhưng người dân chưa một lần được đặt chân vào. Nhà nước đầu tư cả nghìn tỉ, giờ bỏ không, lúc để xe, lúc còn thả vịt, hiện cỏ mọc um tùm, rêu mốc bao phủ, nhếch nhác, bẩn thỉu, không ra hình bệnh viện.
Chúng tôi mong bệnh viện hoạt động từng ngày, từng giờ, mong hết ngày này qua tháng nọ, mong ròng rã 4 năm trời. Vậy bao giờ bệnh viện mới hoạt động, bao giờ người dân được hưởng lợi? Đề nghị lãnh đạo các cấp trả lời cho dân sáng tỏ" - anh Trí đề nghị.
Bức xúc trước lời hứa hẹn bệnh viện sẽ sớm đi vào hoạt động, ông Trương Đình Huấn - thôn Khê Lôi, xã Liêm Tiết, TP.Phủ Lý cho rằng, nếu cả 2 bệnh viện vẫn tiếp tục bị bỏ hoang sẽ khiến thất thoát ngân sách nhà nước, lãng phí tiền của đầu tư, người dân khổ sở, bệnh viện tuyến trên quá tải.
"Người dân đang khốn khổ đi lại, chờ khám ở tận cơ sở 1 ở Hà Nội. Trong khi đó cơ sở 2 thì bỏ hoang cho vịt bơi, bò ăn cỏ, nghiện ngập ăn trộm bóng điện. Đặc biệt, sinh viên mới ra trường thì thất nghiệp, không có công ăn việc làm.
Rất mong Chính phủ xem xét, Bộ trưởng Bộ Y tế mới nhậm chức lên tiếng, trả lời người dân: Bao giờ Bệnh viện Bạch mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 đi vào hoạt động, phục vụ nhân dân?" - ông Trương Đình Huấn kính đề nghị.
Thời gian qua, báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh tình trạng quá tải trong khám, chữa bệnh diễn ra tại một số bệnh viện tuyến trung ương. Người bệnh thì lê lết chờ khám, có người phải đợi 3 tháng mới được mổ, nhân viên y tế “quay cuồng” làm việc đến 16 tiếng.
Lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thừa nhận tình trạng bệnh viện quá tải tại cơ sở 1. Hiện bệnh viện vẫn đang chờ được bàn giao sử dụng cơ sở 2.