Tôi và chồng làm văn phòng, đồng lương không quá cao nhưng cả hai rất biết tiết kiệm.
Bố mẹ hai bên đều làm nông nên không hỗ trợ được nhiều. Khi đề cập đến chuyện mua nhà, ông bà xua tay ngay, nói hai vợ chồng phải tự lực cánh sinh.
Biết gia đình hai bên không có điều kiện, vợ chồng tôi đành cố tiết kiệm từng tháng. Đến bây giờ, cưới nhau đã 5 năm, con cũng sắp vào lớp một mà gia đình vẫn chưa thoát cảnh đi ở thuê.
Vợ chồng tôi có thời điểm lục đục chỉ vì chuyện mua ô tô hay nhà trước (Ảnh: Freepik).
Để tiết kiệm tiền, vợ chồng tôi chỉ dám thuê phòng trọ nhỏ, nội thất gần như chẳng có gì. Thú thật đi làm được bao nhiêu, chúng tôi dồn vào sổ tiết kiệm với hy vọng nhanh chóng có được căn nhà mơ ước.
Tuy vậy, cuộc sống luôn có những phát sinh. Ngoài chi tiêu hàng ngày, có lúc con ốm đau, hai bên gia đình có việc, cha mẹ đã già cũng không tránh khỏi lúc "trái gió trở trời".
Vì vậy, nói là tiết kiệm mỗi tháng 10-15 triệu đồng nhưng có tháng chẳng dư được đồng nào vì lắm khoản chi ngoài dự tính.
Chồng tôi nhiều lần bàn kế hoạch liều kinh doanh nhưng tôi vốn dĩ "ăn chắc mặc bền", sợ chẳng đi đến đâu lại hụt số tiền đã có. Tôi vẫn biết rằng, làm ăn, kinh doanh mới mong đổi đời nhưng nếu tĩnh tâm một chút nghĩ lại thì không ít người cũng nợ nần chồng chất vì buôn bán.
Hiện tại, vợ chồng tôi tiết kiệm được 600 triệu đồng. Tôi dự tính tích góp thêm, đến lúc đủ 800 triệu đồng sẽ vay ngân hàng và người quen, sau đó trả dần.
Ban đầu, chồng tôi ủng hộ phương án này. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, anh nung nấu suy nghĩ cần mua ô tô.
Anh phân tích, ô tô có giá 350-400 triệu đồng nhưng có thể giúp chạy thêm để chở khách, có đồng ra đồng vào. Anh muốn xem đó là khoản đầu tư để kiếm được nhiều tiền hơn, nhằm tăng tốc tiết kiệm, sớm mua nhà.
Tôi hiểu điều anh mong muốn, nhưng có ô tô sẽ tốn thêm khoản tiền "nuôi" xe với đủ các chi phí. Có thể anh bớt thời gian chạy ô tô kiếm thêm đồng ra đồng vào nhưng xét theo thời gian, giá trị xe sẽ giảm.
Sau này, mua nhà xong, bán xe để lấy tiền mua nhà, chắc chắn lỗ một khoản so với lúc mua.
Trong khi đó, anh cho rằng, ai cũng biết bán xe sẽ bị khấu hao một ít. Biết trước điều đó, anh sẽ chở khách nhiều hơn để kiếm bù phần nào, tránh bị lỗ nặng.
Ngoài ra, anh đưa quan điểm, làm việc ở thành phố đã lâu, nhà thì không ai thấy nhưng mỗi lần về quê, bạn bè đi bằng ô tô riêng. Vì vậy, hàng xóm láng giềng nhìn vào đó mà xì xào, đánh giá. Cho nên, có ô tô riêng, cả nhà về quê cũng đỡ ngại ngùng, mang tiếng.
Tôi không ủng hộ quan điểm này. Chuyện giàu nghèo là bản thân mỗi gia đình tự cảm nhận. Mua ô tô để cho bằng người ta, quả thực không nên. Thêm nữa, trong trường hợp hiện tại, nhà cửa chưa có không thể nghĩ đến ô tô.
Với suy nghĩ "ăn chắc mặc bền", tôi đề cao "an cư lạc nghiệp". Có căn nhà ấm cúng, con cái yên tâm học hành, vợ chồng không còn phải sống trong cảnh chật chội, lúc đó có điều kiện để nghĩ đến chuyện trả nợ, mua sắm những thứ khác.
Chồng tôi không ủng hộ, anh cho rằng "vợ không có sự đột phá". Cuộc sống chỉ trông chờ vào lương và tiết kiệm mòn mỏi từng tháng thật khó khá giả.
Vài tháng trở lại đây, câu chuyện này khiến vợ chồng tôi lục đục. Quên đi thì không sao, mỗi khi nhắc đến, hai bên cãi nhau dẫn đến có lúc "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" cả tuần.
Lúc này, tôi cần sự chia sẻ của mọi người xem phương án của tôi có phải là hợp lý? Hay liều theo chồng để gia đình không lục đục, lại tăng tốc mua nhà sớm hơn?
Theo Dân trí