Thúy năm nay 24 tuổi, vừa sinh con vào năm ngoái. Cách đây không lâu, vì bận cho cậu con trai 1 tuổi ăn bột nên Thúy để cả nhà ăn cơm trước, mình ăn sau. Hôm đó trên bàn ăn có tôm đất, là món Thúy thích ăn. Chẳng ngờ lúc cho con ăn xong rồi, ra bàn ăn, lại chỉ thấy còn 2 - 3 con, một đĩa tôm đầy đã bị mẹ chồng chén sạch. Hóa ra đó cũng là món ăn yêu thích của mẹ chồng, bà ăn ngon miệng quá mà quên cả phần con dâu cho tử tế. Hiện tại Thúy đang làm loạn cả nhà, đòi ly hôn bằng được vì “không sống được ở cả nhà này nữa”, “không sống được với những con người vô tâm này nữa”.
Hiện tại Hậu, chồng Thúy, đang vô cùng đau đầu. Chẳng ngờ chỉ vì mẹ anh quá ham ăn mà khiến cuộc hôn nhân của vợ chồng anh có thể “tan đàn xẻ nghé”. Hậu có nói thế nào vợ cũng không nguôi ngoai. Trong trường hợp này, anh nên giải quyết thế nào?
Có lẽ khi tình huống xảy ra, trong đầu người chồng sẽ nghiễm nhiên hiện lên những câu hỏi như: “Không phải chỉ là vài con tôm sao? Có đáng để làm căng như thế không?”
Nếu người chồng nghĩ như thế, nghĩa là anh đã không hiểu được hành động của vợ mình. Có thật là cô ấy trẻ con, chỉ vì vài con tôm mà làm ầm lên? Thế nên vợ anh mới bù lu bù loa lên: “Anh thật sự nghĩ em làm ầm lên thế này chỉ vì vài con tôm?” Và dù người chồng có nói gì, vợ cũng không dễ dàng tha thứ.
Trên thực tế, là một người trưởng thành, trong thời đại vật chất không thiếu thốn, sẽ khó vì một chút thức ăn mà náo loạn. Nhưng rõ ràng thứ Thúy quan tâm không phải là cô không được ăn tôm mà là thái độ của mẹ chồng và chồng đối với cô.
Là một người mẹ, cô ấy sẵn sàng cho con ăn trước, bản thân có đói thì ăn sau cũng không sao. Cô cũng tin tưởng rằng mình đang làm tốt vai trò của người mẹ như vậy thì các thành viên khác trong gia đình là mẹ chồng và chồng cũng sẽ thấy đó mà thấu hiểu, sẽ càng quan tâm đến mình hơn. Lại chẳng ngờ, không những họ không quan tâm mà sự tôn trọng tối thiểu giữa những người thân trong gia đình như chia cơm sẻ áo, người ăn trước biết phần người sau tử tế lại không có. Vì vậy, với cái bụng đói, khi nhìn vào đĩa tôm trống rỗng, cảm xúc tiêu cực bùng nổ, dẫn đến làm loạn.
Đối với bất kỳ phụ nữ nào, 3 năm đầu làm mẹ luôn là thời gian khó khăn và vất vả bậc nhất trong cuộc đời. Từ một cô gái vô tư, trở thành người mẹ và phải học làm quen với vai trò mới này. Sau khi bước qua sự bối rối và lo lắng ban đầu, mỗi ngày đều như một “cuộc chiến” không khoan nhượng trong việc chăm bẵm con nhỏ 24 giờ/ngày.
Đặc biệt là trong năm đầu tiên, hầu hết các bà mẹ gặp khó khăn về giấc ngủ, việc được ngủ 5 tiếng/ngày cũng rất xa xỉ, bởi lẽ cứ 4 tiếng/lần đứa trẻ sẽ uống sữa và đi vệ sinh. Không những thế, vì còn nhỏ nên sức đề kháng của trẻ thấp, rất dễ bị bệnh. Thời gian này, người mẹ luôn căng thẳng thần kinh, thậm chí phải thức cả đêm. Họ cũng không đủ thời gian để yên ổn ngồi xuống, ăn một bữa cơm nóng hổi vừa được dọn lên. Thông thường sẽ là vừa bón con, vừa tranh thủ ăn, có khi còn phải rong đứa trẻ đi nơi khác ăn, tới lúc cho con ăn xong thì mọi người trong nhà đã xong bữa, cơm canh thì nguội mà cũng chỉ là đồ còn thừa.
Vì vậy, mỗi người mẹ khi vất vả và mệt mỏi nhất, câu mà họ luôn muốn nghe từ người chồng chỉ đơn giản là: “Mình ơi, em vất vả rồi”, hoặc 1 cái ôm ấm áp đại diện cho sự thấu hiểu. Nếu người chồng có thể tự nhận việc cho con ăn, để vợ ăn trước, dù chỉ một vài bữa, cô ấy chắc chắn có thể cảm nhận được tình yêu chân thành từ anh.
Trên thực tế, phụ nữ làm mẹ, làm vợ không sợ vất vả, chỉ sợ những sự vất vả này không được công nhận, cũng không vì thế mà có được sự che chở, quý trọng của chồng hay người nhà chồng. Nhìn vào cách cư xử của mẹ chồng và chồng Thúy, có thể thấy dường như việc họ ăn cơm trước đã trở thành thói quen, mà việc mẹ chồng ăn gần sạch cả đĩa tôm, trong mắt bà là không có vấn đề gì. Đây mới chính là nguyên nhân thực sự khiến Thúy làm ầm lên. Đó là giọt nước làm tràn ly.
Không phải vì mấy con tôm, Thúy giận vì không cảm nhận được tình yêu và sự tôn trong trong gia đình. Trong tình huống này, người chồng chỉ có thể gỡ rối bằng cách cố gắng hiểu và đồng cảm với cảm xúc của người vợ, người con dâu trong gia đình và chân thành bày tỏ lời xin lỗi. Tiếp đó, hãy thể hiện sự hối lỗi bằng hành động, ví dụ như giúp đỡ vợ việc chăm sóc con, quan tâm đến miếng ăn giấc ngủ của cô ấy, để cô ấy không cảm thấy bị thiệt thòi, không được coi trọng.
Nói tóm lại, nếu mỗi người trong gia đình biết nhìn nhận những nỗi lực của nhau và hiểu nhu cầu của nhau, cho nhau đủ sự tôn trọng và chăm sóc thì mâu thuẫn sẽ khó phát sinh mà nếu có cũng sẽ được giải quyết dễ dàng.
Ngược lại, nếu trong một cuộc hôn nhân, nếu để cho đối phương phải chịu sự uất ức tích lũy quá lâu, một lúc nào đó khi giọt nước làm tràn ly, người đó sẽ bùng nổ cảm xúc, khiến hôn nhân có thể tan tành.
Theo V.A - Vietnamnet