'Tội đồ' đẩy ông Trịnh Văn Quyết lên đỉnh, xuống đáy

30/03/2022 10:16

Trong số các cổ phiếu họ FLC, có một cổ phiếu thăng trầm bất thường, khiến cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết lên đỉnh lịch sử rồi xuống đáy.

Sau hai phiên giảm sàn, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết rớt về gần 8.000 đồng/cp. So với đỉnh cao gần 160.000 đồng/cp (giá điều chỉnh), ROS đã rớt khoảng 20 lần.

Cùng với sự suy giảm của nhiều mã thuộc “họ FLC” như FLC, AMD, HAI, KLF... khối tài sản của ông Quyết giảm mạnh, xuống còn khoảng 4.400 tỷ đồng.

ROS được xem là một cổ phiếu "lạ thường" nhất sàn chứng khoán. Đây là yếu tố giúp ông Trịnh Văn Quyết, trong năm 2017, trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán (TTCK) nếu tính tài sản dựa trên số lượng và giá các cổ phiếu mà ông Quyết nắm giữ khi đó.

Trong 4 năm xuất hiện trên sàn, cổ phiếu này đã khuynh đảo TTCK khi lọt vào rổ VN-30, sau đó ghi nhận chuỗi ngày tăng “bất tận”, giúp vị cựu chủ tịch FLC khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng, giàu nhất trên sàn chứng khoán vào cuối năm 2016 và đầu 2017.

ROS tiền thân CTCP Xây dựng và Đầu tư Hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, ROS có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng và niêm yết 430 triệu cổ phiếu lên Sở GDCK TPHCM (HOSE) vào tháng 9/2016.

'Tội đồ' đẩy ông Trịnh Văn Quyết lên đỉnh, xuống đáy
Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết.

Trong quá trình ROS tăng giá, ông Trịnh Văn Quyết liên tục mua vào cổ phiếu này để gia tăng sở hữu. Đến cuối 2016, ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ vượt ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup và trở thành người giàu  nhất trên sàn chứng khoán. Khi đó, khối tài sản của ông Quyết đạt khoảng hơn 34 nghìn tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào gần 290 triệu cổ phiếu ROS (vốn tăng giá khó tin).

Sang 2017, cổ phiếu ROS tiếp tục tăng giá, giúp tài sản của ông Quyết có lúc lên trên 50 nghìn tỷ đồng và trở thành tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam, nhưng không được Tạp chí danh tiếng Forbes công nhận.

Tuy nhiên, cổ phiếu ROS sau đó lao dốc cũng ít ai ngờ tới. Cổ phiếu này bốc hơi khoảng 10 lần trong vòng 1 năm. Tới 2020, ROS về gần ngưỡng 2.000 đồng/cp (giá điều chỉnh). Cổ phiếu tăng giảm ở mức khó tưởng tượng và không thể giải thích theo phân tích cơ bản hoạt động của doanh nghiệp.

Về tính thanh khoản, cổ phiếu này cũng ghi nhận những diễn biến lạ thường. Có những khoảng thời gian như gần cuối 2019, giao dịch ROS lên tới cả nghìn tỷ đồng nhưng có sau đó dòng tiền mất hút, thanh khoản nhỏ giọt.

ROS được biết đến là nhà thầu xây dựng cho phần lớn dự án nghỉ dưỡng, BĐS của tập đoàn FLC và doanh nghiệp này có những năm ghi nhận lợi nhuận rất cao. Dù vậy, doanh nghiệp này chưa năm nào trả cổ tức bằng tiền mặt.

Tối 29/3, theo thông tin từ Bộ công an, cơ quan này đã khởi tố và bắt tạm giam Trịnh Văn Quyết để điều tra về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK Việt Nam.

Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan. Các Quyết định, Lệnh tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) phê chuẩn theo quy định pháp luật.

Tính tới hết 29/3/2022, khối tài sản của Trịnh Văn Quyết đạt 4.445 tỷ đồng, xếp thứ 44 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Dòng tiền chạy khỏi cổ phiếu nóng, trở lại nhóm blue-chips

Theo MBS, thị trường đã lấy lại những gì đã mất sau phiên giảm mạnh 28/3 khi tác động bên lề nhanh chóng qua đi. Đáng chú ý là sự trở lại của nhóm cổ phiếu nhỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản đã giúp thị trường hồi phục trên diện rộng bất chấp thanh khoản thị trường sụt giảm. Dòng tiền được kỳ vọng sẽ dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu bluechip khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp được công bố. Tuy nhiên, với diễn biến trong phiên 29/3, xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn chưa bị ảnh hưởng và kịch bản vượt đỉnh cũ của nhóm cổ phiếu này với xác suất ngày càng cao.

Theo Rồng Việt, tiếp nối diễn biến bắt đáy đồng thời áp lực bán cũng tạm thời hạ nhiệt, thị trường đã giao dịch khởi sắc hơn khi có thể đóng cửa gần sát giá cao nhất trong ngày. Tuy nhiên, thanh khoản sụt giảm trong quá trình hồi phục cho thấy vùng giá cao hơn vẫn chưa thật sự thu hút dòng tiền của các nhà giao dịch. Dự kiến với kịch bản dòng tiền quay trở lại mạnh mẽ hơn trong các phiên tới, khả năng nhịp hồi phục của VN-Index vẫn tiếp tục và sẽ dần suy yếu gần vùng kháng cự 1.510 +/- 10 điểm. Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhịp hồi phục của thị trường trong thời gian gần tới.

Chốt phiên giao dịch 28/3, chỉ số VN-Index tăng 14,58 điểm lên 1.497,76 điểm. HNX-Index tăng 6,35 điểm lên 461,24 điểm. Upcom-Index tăng 1,36 điểm lên 117,37 điểm. Thanh khoản đạt 28,6 nghìn tỷ đồng, trong đó có 23,5 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

V. Hà

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/tin-chung-khoan-ngay-30-3-co-phie-u-to-i-do-day-ong-trinh-van-quyet-len-dinh-xuong-day-826535.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/tin-chung-khoan-ngay-30-3-co-phie-u-to-i-do-day-ong-trinh-van-quyet-len-dinh-xuong-day-826535.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Tội đồ' đẩy ông Trịnh Văn Quyết lên đỉnh, xuống đáy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO