Bí mật nghề “nuôi biển” của người Viking
Những ngày cuối tháng 7, theo chân những chuyên gia về thủy sản Na Uy, nhóm nhà báo Việt Nam đã có chuyến tác nghiệp tại quốc gia Bắc Âu để tìm hiểu về câu chuyện phát triển thần kỳ của ngành nuôi trồng thủy sản Na Uy.
Chuyến hành trình của chúng tôi chủ yếu đi về các vùng biển ở cực Bắc Na Uy, nơi có khí hậu khắc nghiệt, quanh năm lạnh giá với băng tuyết bao phủ. Có lẽ, các chuyên gia thủy sản của Na Uy muốn cho nhóm nhà báo Việt Nam thấy rằng, họ đã biến sự khắc nghiệt của thiên nhiên trở thành điều kiện lý tưởng để xây dựng ngành công nghiệp nuôi cá hồi như thế nào, như cách mà người Viking – một bộ tộc nổi tiếng Na Uy đã có chuyến hành trình chinh phục biển cả lừng lẫy trong lịch sử.
Câu chuyện của ngành nuôi trồng cá hồi Na Uy xuất phát từ những năm 60 và 70 (thế kỷ 20) khi các DN nước này bắt đầu thử nghiệm công nghệ lồng nuôi. Bước đột phá lớn khi họ tìm ra cách nuôi cá hồi bằng bút lưới trên biển. Ưu điểm của cách này là cá hồi không có ký sinh trùng và có hàm lượng chất béo cao hơn cá ngoài tự nhiên.
Nhà khoa học Maria Sparboe, tại TP Alta, cho biết, trước đây, các cơ sở nuôi trồng và ngành công nghiệp cá hồi của Na Uy tập trung phần lớn ở phía Nam bởi khí hậu ấm áp. Còn ở phía Bắc, không có nhiều DN mạnh dạn đầu tư. Hiểu được vấn đề này, Chính phủ Na Uy đã khuyến khích phát triển cá hồi ở miền Bắc để tạo sự cân bằng. Ban đầu, Na Uy miễn phí giấy phép tại vùng biển cho ngư dân và DN, nhưng sau dần đã yêu cầu trả phí và trải qua đấu giá với mức khá cao. Với các vùng biển ở phía Bắc, chi phí để cấp phép sẽ được ưu tiên với mức thấp hơn.
Đặc biệt, Na Uy còn xây dựng hệ thống cảnh báo ở khắp cả nước. Nếu khu vực nào báo hiệu đèn xanh, tức sản lượng cá trong giới hạn, DN có thể duy trì số lượng nuôi. Còn khu vực nào báo đèn đỏ (sản lượng vượt giới hạn), sẽ phải giảm sản xuất để không ảnh hưởng đến các loại cá khác và môi trường. Chính phủ cũng đặt hạn mức trần sản xuất hàng năm. Các DN, ngư dân không thể tăng sản lượng nuôi trồng tùy ý mà chịu sự quản lý thống nhất, chặt chẽ của Tổng cục Thủy sản.
Bà Åse Østvold, Trưởng nhóm hoạt động tại Bảo tàng cá hồi giới thiệu các mô hình lồng nuôi cá hồi Ảnh: DH |
6 lồng cá, mỗi lồng 200.000 - 300.000 con cá hồi đang sống dưới nước nhưng khu vực trang trại đều rất sạch và không hề có “mùi cá”Ảnh: NSC |
Na Uy cũng luôn đặt ra yêu cầu với các DN làm sao phải luôn tìm tòi nâng cấp công nghệ nuôi mới, với chất lượng cá tốt nhất và môi trường bị ảnh hưởng ít nhất.
“Các DN muốn được cấp phép thêm vùng nuôi mới, phải chứng minh có công nghệ nuôi vượt trội. Điều này giúp Na Uy tạo được một làn sóng đầu tư vào các mô hình nuôi trồng thủy sản hiện đại và bền vững hơn”, bà Maria Sparboe chia sẻ.
Trang trại nuôi cá không có “mùi cá”
Để chứng thực quy trình nuôi cá hồi khắt khe có một không hai của nước này, bà Åse Østvold, Trưởng nhóm hoạt động tại Bảo tàng cá hồi tại TP Alta, đích thân lái tàu đưa chúng tôi đi thăm một mô hình lồng nuôi cá hồi trên vùng biển Barents.
Sau gần 1 tiếng di chuyển, chúng tôi có mặt tại một trang trại trên vịnh biển kín, với 6 chiếc lồng nuôi hiện ra trông rất yên bình. Những con cá hồi lao lên rồi ngụp xuống thoăn thoắt. Cạnh đó, đơn vị nuôi trồng bố trí một thuyền giám sát và vận hành lồng nuôi. Dù nghề nuôi cá hồi trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước, nhưng các ngư dân không bị cuốn theo nhịp độ sản xuất đại trà mà quan tâm đến sức khỏe của từng con cá.
Người Na Uy đã biến môi trường khắc nghiệt trở thành điều kiện lý tưởng để nuôi cá hồi Ảnh: NSC |
Ông Jan Roger Karlsen, ngư dân nuôi cá hồi cho Công ty Salmar tiết lộ, để có những con cá hồi nuôi trên biển, công ty phải lựa chọn những con khỏe mạnh, và không chứa mầm mống bệnh. Cá hồi con sẽ được nuôi trong bể ở nhiệt độ từ tối đa là 12°C trong khoảng 450 ngày và tất cả đều được tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi được vận chuyển ra lồng nuôi trên biển. Chỉ 2,5% khối lượng trong các lồng nuôi là cá, tất cả còn lại là nước.
Điều khiến cá hồi Na Uy trở nên khác biệt với các loại cá hồi khác có lẽ đến từ nguồn thức ăn và môi trường sống. Người Na Uy quan niệm: Con người ăn cá hồi là muốn tăng lượng protein thì nguồn thức ăn cho cá phải làm sao bổ sung nhiều protein nhất. Thức ăn cho cá hồi Na Uy có dạng viên khô, chứa khoảng 70% thành phần thực vật như đậu nành, ngô…và 30% nguyên liệu chế biến từ bột cá và dầu cá đảm bảo cho cá ăn ngon hơn và khoẻ hơn.
“Các DN muốn được cấp phép thêm vùng nuôi mới, phải chứng minh có công nghệ nuôi vượt trội. Điều này giúp Na Uy tạo được một làn sóng đầu tư vào các mô hình nuôi trồng thủy sản hiện đại, giúp hiệu quả nuôi cải thiện tốt và bền vững hơn”. bà Maria Sparboe
Công việc của những ngư dân trên các lồng nuôi như Karlsen là phải biết cách cho cá ăn chuyên nghiệp. Ở mỗi lồng nuôi đều được gắn camera ở dưới đáy và xung quanh để phát hiện liệu cá có ăn được thức ăn hay không? Tốc độ chuyển thức ăn được điều chỉnh hợp lý để không bị rơi xuống quá nhanh, lọt xuống đáy lồng ảnh hưởng đến môi trường.
Chỉ tay về phía chiếc máy tính, Jan Roger Karlsen tiết lộ mỗi con cá hồi ở đây đều được gắn một mã số trong quá trình nuôi, giúp ngư dân có thể nắm được tình trạng sức khỏe của từng con cá hồi. Khi những con cá có biểu hiện bị ốm, ngư dân sẽ không để cá phải chịu đau khổ thêm và khiến bệnh tật lây lan. Họ sẽ sử dụng công nghệ lazer chiếu thẳng vào cá ốm để loại bỏ chúng. Công nghệ lazer còn phát hiện và tiêu diệt vi khuẩn trong lồng nuôi, đảm bảo môi trường nước luôn ở ngưỡng an toàn.
Tỷ lệ cá hồi chết đến từ vi khuẩn chỉ khoảng 10%, nhưng với công nghệ nuôi ngày càng hiện đại, các ngư dân đang cố gắng giảm xuống 7-8%.
Tại trang trại nuôi mà chúng tôi đến thăm, đi quanh lồng hầu như không hề ngửi thấy “mùi cá”. Điều đặc biệt, sau khi thu hoạch hết cá, các trang trại sẽ được tạm đóng trong khoảng 18 – 24 tháng để vùng biển lấy lại sự cân bằng, tránh ảnh hưởng đến môi trường sống của những con cá mới. Trong thời kỳ này, đáy biển được kiểm tra về lượng vi khuẩn, kim loại nặng, ký sinh…và giám sát rất chặt bởi cơ quan độc lập nên môi trường nuôi ở đây trở lại sạch như bình thường.
Chất lượng làm nên thương hiệu
Cá hồi của “xứ sở vạn đảo” hiện là loại cá được chế biến để ăn sống nhiều nhất trên thế giới. Hơn 30 triệu bữa ăn từ cá hồi Na Uy được sử dụng mỗi ngày. Ngay cả ở Nhật Bản, một đất nước rất khắt khe trong chuyện ăn uống và thường nói không với cá hồi sống, nhưng cuối cùng đã bị loại cá đến từ Đại Tây Dương chinh phục.
Nhà khoa học Åse Østvold kể, đó là vào những năm 90, khi người Na Uy muốn mở rộng thị trường xuất khẩu cá hồi sang Nhật Bản bởi họ nhận thấy không ai thích ăn cá bằng người Nhật, đặc biệt là các món sushi (cơm trộn với thực phẩm sống) nên muốn đưa cá hồi thâm nhập dưới dạng này. Ban đầu người Nhật đã phản đối việc ăn cá hồi sống vì cho rằng không an toàn. Ngay gần vùng biển Nhật Bản, cá hồi Thái Bình Dương thời điểm đó cũng được tiêu thụ mạnh nhưng người Nhật không dám ăn sống do lo ngại ký sinh trùng.
Bà Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết, năm 2022, Na Uy đã xuất khẩu 2,9 triệu tấn thủy sản với giá trị khoảng 14,5 tỷ USD, trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới. Còn Việt Nam là quốc gia xuất thủy sản lớn thứ 3 thế giới (sản lượng đạt 9,06 triệu tấn, trị giá khoảng 11 tỷ USD).
Hợp tác trong ngành thủy hải sản tiếp tục là một trong những lĩnh vực trụ cột trong quan hệ giữa Việt Nam – Na Uy do thủy sản giữa hai nước có sự bổ sung cho nhau.
Sau nhiều lần đưa ra chương trình tiếp thị và hợp tác với các đầu bếp nổi tiếng của Nhật Bản, người dân Nhật dần thay đổi khi họ thấy thịt cá hồi Na Uy có độ mềm mại và hương vị kem nhẹ, đặc biệt là rất an toàn. Sau đó, sushi cá hồi đã trở thành làn sóng phổ biến tại các nhà hàng ở Nhật và đến nay trở thành món ăn nức tiếng trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Tại Bảo tàng cá hồi ở TP Alta, người Na Uy vẫn còn treo câu khẩu hiệu “sushi sẽ là gì nếu không có cá hồi Na Uy” như nhắc lại niềm tự hào của nước này khi đã chinh phục được những vị khách khó tính nhất thế giới.