Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn dài rung lắc. Tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay, chỉ số VN-Index đã giảm 184 điểm, tương ứng vốn hóa HoSE bị thổi bay hơn 729.000 tỷ đồng (khoảng hơn 31,7 nghìn tỷ USD), dự báo thị trường chứng khoán sẽ còn biến động.
Tuy nhiên, bất chấp thị trường chứng khoán trượt dài, có những cổ phiếu đi ngược với xu thế thị trường, quay đầu tăng giá, thậm chí đang ở đà tăng vững chắc.
Cụ thể, cổ phiếu PND của Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Nam Định kế phiên ngày 13/5 đang ở mức 33.500 đồng/cp, nhưng trước đó 6 phiên liên tiếp (từ 29/4 đến 10/5) bật tăng mạnh, nhiều phiên tăng gần hết biên độ. PND giao dịch trên sang UPcom với biên độ cho phép là 15%, chỉ sau 2 tuần thị giá PND đã tăng 66%.
Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Nam Định hoạt động trong lĩnh vực bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí hoạt động trên các địa bàn tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và một số tỉnh khác. Vốn điều lệ của PND đạt gần 67 tỷ đồng.
Trong năm 2021, PND đạt doanh thu thuần 1.367 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ gần 46 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2022, doanh thu của PND kỳ vọng đạt 1.099 tỷ đồng, tương ứng giảm 20% so với thực hiện trong năm trước.
Quat sát nhiều phiên giao dịch của PND, lượng thanh khoản gần như đóng băng do cơ cấu cổ đông cô đặc, lượng giao dịch được cải thiện trong những phiên tăng mạnh, tuy nhiên khối lượng trong phiên chỉ tính đến con số vài nghìn.
Tương tự PND, cổ phiếu DSD kết thúc phiên giao dịch ngày 23/5 của DHC Suối Đôi có thị giá 18.500 đồng/cp, tăng 85% sau một tuần.
Trong khi đó phiên giao dịch ngày 23/5, VN-Index đóng cửa ở mức 1.218,81 điểm, giảm 21,90 điểm, tương đương 1,77%, trên sàn HNX, chỉ số Hnx-Index cũng giảm 6,36 điểm, tương đương 2,07%, đóng cửa ở mức 300,66 điểm.
Điều đặc biệt, trong lúc cổ phiếu DSD tăng mạnh nhưng hoạt động kinh doanh của DN này lại đi xuống do chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19. Kết quả kinh doanh của DSD năm 2021 ghi nhận doanh thu thuần giảm 68,4% còn 17,4 tỷ đồng; nguồn thu từ dịch vụ vui chơi, ăn uống và nghỉ dưỡng - mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất, giảm 71% còn 15,8 tỷ đồng. Doanh nghiệp này kinh doanh dưới giá vốn nên lợi nhuận gộp âm 11,3 tỷ đồng.
Cũng đi ngược với xu thế, một số mã cổ phiếu thuộc ngành thủy sản sản âm thầm tăng mạnh, bất chấp thị trường chung giảm mạnh.
Cổ phiếu ANV của Công ty Cổ phần Nam Việt tăng 74% từ cuối tháng 1/2022; riêng tháng 4 đến nay, cố phiếu này đã tăng 14%. Trong khi đó, cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cũng âm thầm tăng tốc và đang ở vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết (năm 2007), có những thời điểm tăng 11,7% với đầu tháng 4 khi thị trường chung bắt đầu đi xuống.
TTCK kể từ đầu tháng 4 đến nay đã trải qua quãng thời gian ảm đạm, nhiều phiên giảm mạnh, khiến VN-Index đang ở mức ngưỡng trên 1.500 điểm xuống còn 1.233 điểm vào phiên ngày 24/5, thậm chí có thời điểm xuống dưới mức 1.200 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam, dù được đánh giá là một điểm sáng trong khu vực, nhưng cũng không nằm ngoài xu thế giảm mạnh toàn thế giới. Lạm phát gia tăng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất hồi tháng 3/2022, lần nâng đầu tiên trong vòng 3 năm qua. Đầu tháng 5, Fed mạnh tay hơn khi nâng tiếp lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm.
Cơ quan này báo hiệu có khả năng nâng tiếp lãi suất để kiềm chế lạm phát. Những lo ngại về lập trường cứng rắn của Fed có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận đà giảm mạnh do nhà đầu tư có tâm lý thoát khởi cổ phiếu ngành công nghệ. Không những vậy, đà tụt giảm đã lan sang các cổ phiếu của các ngành khác.
Nhiều dự báo cho rằng, những biến động kinh tế thế giới như hiện nay khó có thể đi vào ổn định trong thời gian ngắn, còn xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa chấm dứt. Thị trường chứng khoán Việt Nam còn mất một thời gian khá dài để có thể phục hồi.
Ngọc Cương