Toàn cầu lên cơn sốt, Việt Nam bán khắp hàng thế giới trúng đậm

01/07/2022 13:41

Các thị trường ráo riết gom mua với giá cao, Việt Nam xuất khẩu nông sản trúng đậm. Chỉ trong 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng gần gấp đôi. Ngành lâm sản cũng thu về hơn 9 tỷ USD.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, 6 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%. Thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp đạt 5,75 tỷ USD, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, có 9 sản phẩm và nhóm sản phẩm lọt vào “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” gồm: cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất.

Hầu hết các mặt hàng đều có mức tăng trưởng mạnh, có loại tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cao su tăng 9,2% khối lượng, tăng 12,2% giá trị; cà phê tăng tới 21,7% khối lượng và 49,7% giá trị; sắn tăng lần lượt là 13,2% và 28%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản chính 9,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cá tra tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (ảnh: Minh Dũng)

Mặt hàng gạo được dự báo lên cơn sốt giá toàn cầu, kéo khối lượng gạo xuất khẩu tăng tới 16,2%, kim ngạch tăng 4,6%.

Riêng hồ tiêu, dù khối lượng xuất khẩu giảm 19,1%, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 40,9% nên giá trị xuất khẩu đạt 566 triệu USD, tăng 14,0%.

Cũng trong 6 tháng năm 2022, thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU, CPTPP,... đều ráo riết gom mua, xuất khẩu thủy sản nhờ đó thu về 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%. Đặc biệt, cá tra có mức tăng trưởng đột biến ở tất cả các thị trường khi kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với đà tăng giá kỷ lục, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo năm 2022 xuất khẩu cá tra có thể thu về 2,6 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử.

Mỹ, Trung Quốc vẫn là hai khách hàng lớn nhất của nông sản Việt xuất khẩu với thi phần lần lượt 27,3% và 17,8%.

Ngoài xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản vượt 10 tỷ USD.

Dù hoàn thành mục tiêu kép đề ra nhưng Bộ NN-PTNT thừa nhận, ngành còng gặp nhiều khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài; giá thức ăn chăn nuôi, phân bón,... tăng cao; khai thác thủy sản gặp khó do giá xăng dầu tăng, khiến chi phí sản xuất cao.

Trong khi đó, giá sản phẩm nông sản có tăng nhưng mức tăng thấp hơn, ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người sản xuất.

Cùng với đó, vẫn tái diễn tình trạng ùn ứ phương tiện xuất, nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu phía Bắc, gây nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh và bà con nông dân. Sự chậm lại của các nền kinh tế kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc thực thi chính sách “zero Covid” với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt, đã ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng nông sản.

Mục tiêu xuất khẩu năm nay ngành nông nghiệp đặt ra là 55 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản chính 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác 3 tỷ USD. Bộ NN-PTNT cũng đưa ra hàng loạt giải pháp với các sản phẩm chủ lực xuất khẩu, có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu, để bù vào những mặt hàng có khả năng không đạt chỉ tiêu cả năm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Toàn cầu lên cơn sốt, Việt Nam bán khắp hàng thế giới trúng đậm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO